Ngày 12-10, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện (Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng) cho hay Quỹ hòa bình Hàn - Việt đã hiến tặng cho bảo tàng rất nhiều tư liệu quý có liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam mà những người lính Hàn Quốc tham gia. Các hiện vật này đều bày tỏ sự thành khẩn xin lỗi Việt Nam về những hành động mà lính Hàn Quốc đã làm khi tham chiến.
Cụ thể, Quỹ hòa bình Hàn - Việt đã hiến tặng cho bảo tàng một tượng Pieta Việt Nam có trọng lượng 11 kg.
Tượng Pieta Việt Nam - hình ảnh một phụ nữ đang ôm vào lòng đứa con bé bỏng, thơ dại - là tác phẩm được sáng tác nhằm an ủi cho linh hồn của những người mẹ đã nằm xuống và những đứa trẻ vô danh mới chào đời chưa kịp đặt tên, đã chết trong những cuộc thảm sát của binh lính Đại Hàn trong chiến tranh Việt Nam. Tên tiếng Việt là Lời ru cuối cùng, trong tiếng Ý, “pieta” có nghĩa là “nỗi buồn”, “niềm bi thương”.
Tượng Pieta Việt Nam vừa được trao tặng.
Tác phẩm này được hai điêu khắc gia Kim Seo Kyung và Kim Eun Sung đồng sáng tác. Kim Seo Kyung và Kim Eun Sung cũng là tác giả của tượng Thiếu nữ hòa bình - tác phẩm tưởng nhớ đến những nạn nhân phụ nữ Hàn Quốc bị bắt làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.
Bên cạnh đó, Bảo tàng Đà Nẵng cũng tiếp nhận 19 bức về phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” từ người dân và các tổ chức xã hội Hàn Quốc, liên quan đến các vụ thảm sát thường dân trong chiến tranh Việt Nam. 11 tác phẩm của các nhiếp ảnh gia Hàn Quốc chụp về ký ức, thương tích do quân đội Hàn Quốc gây ra đối với dân thường trong chiến tranh Việt Nam.
Tháng 7-2014, khách viếng thăm Hàn Quốc đang thắp nén nhang trước hố bom Truông Đình thuộc xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi – một nơi xảy ra thảm sát thường dân bởi quân đội Hàn Quốc.
Ngoài ra, quỹ này còn tặng sáu bức tranh đồ họa do họa sĩ Ko Kyoung-il sinh năm 1968, là họa sĩ vẽ tranh biếm họa. Hiện ông đang là giáo sư khoa Hoạt hình và biếm họa của Trường ĐH Sangmyung. Từ năm 2011, trên báo Hankyoreh, ông đã đăng nhiều kỳ những tác phẩm đồ họa chứa đựng nỗi đau và những thương tích của lịch sử cận hiện đại, bối cảnh là hai quốc gia Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong Thế chiến thứ hai, ông đặc biệt tập trung vào vấn đề nô lệ tình dục của quân đội Nhật Bản. Từ năm 2016, trên báo Hankyoreh, tác giả đăng nhiều kỳ các tác phẩm liên quan đến chủ đề quân đội Hàn Quốc thảm sát thường dân trong chiến tranh Việt Nam. Ông cũng đang hoạt động với tư cách là hội viên của “Chiếc nơ hòa bình” - tổ chức cấp học bổng ở tỉnh Phú Yên.
Tháng 7-2015, thiền sư Myeong Jin, từng tham gia chiến tranh Việt Nam thuộc sư đoàn Mãnh Hổ năm 1972, đang cúi lạy để tạ tội trước Bia tưởng niệm Phong Nhất Phong Nhị, xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Quỹ hòa bình Hàn - Việt cũng tặng chín cuốn sách, như: Em hôn hòa bình; Cuộc chiến tranh này; Xin lỗi Việt Nam; Giữa ban ngày cũng có kẻ mơ - Tập thơ kỷ niệm giao lưu văn học Jeju - Quảng Ngãi; Ngày 12-2-1968 - Vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị; Chuyện một làng quê Phong Nhất-Phong Nhị; Một chiến tranh hai ký ức; Sau vụ thảm sát - Nhân loại học về tưởng niệm cho những người đã mất trong chiến tranh Việt Nam năm 1968; Ký ức của chiến tranh, chiến tranh của ký ức. Băng đĩa…
Tháng 2-2016, GS Roh Hwa Wook - Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thành lập Quỹ Hòa bình Hàn-Việt đang cúi lạy để tạ tội trước người dân tại lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Bình An, tỉnh Bình Định.
Bên cạnh đó, Bảo tàng Đà Nẵng còn được trao tặng các tấm thiệp Việt Nam do các học sinh Hàn Quốc làm trong chuyến du lịch một tháng đến Việt Nam hồi tháng 4-2013. Lấy phong cảnh và văn hóa v.v... của Việt Nam làm chất liệu, các bức tranh chứa đựng thông điệp “hòa bình” và “phản đối chiến tranh” của các học sinh khi đối diện với nỗi đau và thương tích từ các vụ thảm sát.