Các hiện vật gồm các dụng cụ, đồ nghề của các nhà báo như bút, máy ảnh, máy chữ, máy quay phim...; dụng cụ in ấn và làm báo; kỷ vật của nhà báo như thư từ, nhật ký, sổ tay ghi chép, đồ dùng sinh hoạt thời chiến tranh...; ảnh báo chí; bản gốc các ấn phẩm báo chí cổ; tài liệu, thông tin liên quan đến lịch sử báo chí,....
Nhà báo Hồng Phương (giữa) tặng bức ảnh trên chiến trường Campuchia cho Bảo tàng Báo chí khu vực phía Nam, sáng 23-12. Ảnh: LÊ THOA
Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết “Bảo tàng Báo chí Việt Nam là bảo tàng của tất cả thế hệ nhà báo Việt Nam, của nhân dân, vì vậy sự hiến tặng hiện vật của các nhà báo, các gia đình nhà báo, các cơ quan báo chí là rất quan trọng” - ông nói.
Nhiều cá nhân đến tặng hiện vật chia sẻ về kỷ vật mà mình đã lưu giữ lâu nay. Ảnh: LÊ THOA
Thay mặt cho Hội Nhà báo Việt Nam, Nhà báo Hồ Quang Lợi đã kêu gọi toàn thể các nhà báo, gia đình và thân nhân nhà báo; Hội Nhà báo địa phương, các cơ quan báo chí; các nhà sưu tầm hãy hiến tặng cho Bảo tàng báo chí Việt Nam những hiện vật gắn bó với hoạt động của mình, mang dấu ấn lịch sử và có ý nghĩa giáo dục; thể hiện được quá trình lịch sử vẻ vang của nền báo chí Việt Nam.
Đến tham dự buổi lễ, nhà báo Hồng Phương cũng đã tặng năm hiện vật đã theo ông suốt những năm tháng gắn với công việc phóng viên chiến trường. Đó là bức ảnh “Nỗi đau và trách nhiệm” mà ông đã chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng giữa Quảng trường Ba Đình trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 9-9-1969); là bức ảnh đầu tiên trên chiến trường Campuchia, khi ấy người dân Campuchia vui mừng đón cả bộ đội Việt Nam về giải phóng, cùng đánh Mỹ; là những tập báo đầu tiên của tạp chí Nghề báo; là những bài viết chính luận có một không hai của làng báo Việt Nam như “Ngọc Như - cây bút tình người”, “Đỉnh cao thắng lợi huy hoàng” đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân.
Kể về bức ảnh “Nỗi đau và trách nhiệm” mà ông đã chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo Hồng Phương xúc động: “Đó là một bức ảnh tôi chụp trong một sự kiện lịch sử của đất nước, ở đó có Đại tướng Võ Nguyên giáp - nhân vật trung thành, gắn bó với Bác trong suốt chặng đường chinh chiến để đánh thắng giặc Mỹ, Pháp. Lúc ấy lớp trẻ ùa vào lòng Đại tướng, Đại tướng nén đau thương, gương mặt kiên nghị, quyết tâm kế tục sự nghiệp của Bác”.
Một số hiện vật do các nhà báo hiến tặng. Ảnh: LÊ THOA
Một số hiện vật do các nhà báo hiến tặng. Ảnh: LÊ THOA
Một số hiện vật do các Nhà báo hiến tặng. Ảnh: LÊ THOA
Trước đó, ngày 21-4-2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định phê duyệt Đồ án Bảo tàng Báo chí Việt Nam; tiếp đó Thủ tướng Chính Phủ đã ký tiếp quyết định bổ sung Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào hệ thống bảo tàng quốc gia và cuối tháng 11-2015, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho Dự án trưng bày Bảo tàng với tổng kinh phí xấp xỉ 36 tỉ đồng.
Tính đến thời điểm này, Bảo tàng Việt Nam đã nhận được hơn 5.000 hiện vật. Dự kiến lễ khánh thành Bảo tàng sẽ được tổ chức vào ngày 21-6-2016.