Trao đổi với PLO, ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông Vận tải, UBND TP Nha Trang nghiên cứu quy hoạch các bãi xe, điều chỉnh quy hoạch cục bộ cho phù hợp mục đích sử dụng trong quá trình lập quy hoạch phân khu 1/2000.
Thông tin trên được ông Trần Hòa Nam cho biết sau khi PLO ngày 26-6 đăng bài "Đỏ mắt tìm bãi giữ xe ở Nha Trang".
Phải sớm làm bãi xe ngầm
Nhiều chuyên gia, kiến trúc sư (KTS) cho rằng việc không tuân thủ quy hoạch, phát triển quá nóng khiến Nha Trang ngày càng chật chội, hạ tầng giao thông không đáp ứng nhu cầu phát triển. Có giai đoạn, Nha Trang chỉ tập trung phát triển các tòa cao ốc, khách sạn, chung cư cao tầng mà "quên" đầu tư hạ tầng giao thông kèm theo.
Chia sẻ với PLO, KTS Nguyễn Văn Lộc, cựu Chủ tịch Hội KTS tỉnh Khánh Hòa, nói bài học về phá vỡ quy hoạch, không tuân thủ quy tắc phát triển đô thị khiến Nha Trang đang bị “lệch pha” so với tiến trình đúng ra phải theo.
“Mỗi đô thị đều có lộ trình phát triển riêng cả nó, nhưng đều có mẫu số chung; trong đó có kết cấu hạ tầng cơ sở, giao thông đô thị. Thời gian dài, Nha Trang vì quá chú trọng phát triển kinh tế mà quên bài toán hạ tầng đô thị khiến giờ nhìn đâu cũng thấy kẹt xe, đường sá nhỏ hẹp, bí bách”- ông Lộc nói với PV.
Theo KTS Nguyễn Văn Lộc, nếu muốn giải bài toán bãi giữ xe chỉ còn cách xây bãi ngầm hoặc xây nổi.
“Tôi đọc báo thấy lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo TP Nha Trang nói sẽ bố trí quỹ đất để làm bãi giữ xe nhưng thực tế việc này hiện không còn phù hợp. Tôi ví dụ, nếu chỉ dành 4.000-10.000 m2 đất ở khu vực nào đó làm bãi đậu xe, nhưng diện tích đó chắc chắn không đáp ứng được nhu cầu vì hiện lượng xe đến Nha Trang rất lớn. Đó là chưa tính đến việc không thể tập trung hàng ngàn chiếc xe vào một nơi, lúc đó hạ tầng giao thông sẽ không chịu nổi"- ông Lộc chia sẻ.
KTS Nguyễn Văn Lộc phân tích: trung bình theo quy chuẩn, một ô tô con cần 25 m2 khi đậu, xe buýt cần 40 m2, còn ô tô tải cần 30 m2. "Điều đó cho thấy bãi xe rộng mấy ngàn mét vuông sẽ không đáp ứng được nhu cầu hiện tại”- KTS Lộc nói.
Cũng theo KTS Nguyễn Văn Lộc, trước đây tỉnh Khánh Hòa quy hoạch bãi đậu xe ngầm ở dưới sân vận động 19-8, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
“Bài toán bãi xe ngầm là giải pháp mà tất cả đô thị trên thế giới đều áp dụng và phải làm. Tuy nhiên, thay vì nghiên cứu làm bài bản thì mình lại "ngó lơ" vấn đề này trong tiến trình đô thị hóa”- vị chuyên gia nói.
Theo KTS Lộc, ngoài việc quy hoạch các bãi giữ xe, Nha Trang nên đưa luôn vào quy định việc cấp phép công trình cao tầng bắt buộc phải dành bao nhiêu tầng hầm, thậm chí cả nổi để bố trí làm bãi giữ xe. Ngoài ra, phải quy hoạch các điểm sẽ xây ngầm hoặc nổi các bãi giữ xe sau đó cho đấu thầu, đấu giá để kêu gọi đầu tư.
“Nói thì dễ nhưng làm được là cả bài toán rất khó. Tuy nhiên, nếu cứ thấy khó mà ta không làm thì hậu quả nhãn tiền ngay. Thực tế Nha Trang bây giờ đang phát triển mà không theo một quy chuẩn đô thị nào, trong khi thiên nhiên đã quá ưu đãi và đã đến lúc phải sống cho thực tế, xa hơn là tương lai con cháu”- KTS Lộc nói.
KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về phát triển đô thị từng chia sẻ với PV rằng TP Nha Trang đang quá chú trọng phát triển kinh tế trước mắt mà quên giá trị về lâu dài.
“Nhu cầu về bãi đậu xe luôn luôn có trong các đô thị, đặc biệt với một TP phát triển như Nha Trang. Do vậy, không thể vì kẹt xe hay hạ tầng giao thông yếu kém mà cấm hay hạn chế phương tiện vào TP mãi được"- ông Sơn nói.
KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích: "Về nguyên tắc quản lý đô thị, khi mình cấm ở một nơi thì phải có giải pháp ở một chỗ khác. Nên giải pháp lâu dài cho phố biển Nha Trang là phát triển các bãi xe ngầm có quy mô, bền vững, hạn chế nhà cao tầng tập trung một khu vực mà cấp phép dàn trải”.
Vẫn đang chờ quy hoạch
Theo ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đến nay chưa có quy hoạch phân khu 1/2000 nào ở TP Nha Trang được phê duyệt.
"Khi nào UBND TP Nha Trang lập quy hoạch xong, Sở Xây dựng thẩm định, Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng kiểm tra nội dung quy hoạch các bãi giữ xe theo chỉ đạo của UBND tỉnh trước khi thực hiện các bước tiếp theo"- ông Nam nói.
Theo ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa, với tốc độ đô thị hóa cao, sự phát triển nhanh của ngành du lịch, sự gia tăng nhanh các phương tiện giao thông đã tạo sức ép rất lớn lên hạ tầng giao thông trên địa bàn Nha Trang.
Giao thông của TP không theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến tình trạng quá tải, ùn tắc trong giờ cao điểm, nhất là đối với các đường nội thành.
Tháng 3-2020, UBND TP Nha Trang đã ban hành quyết định phân luồng giao thông của TP, trong đó cấm ô tô trên 29 chỗ lưu thông vào trung tâm TP trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, việc này gây ra xung đột với các doanh nghiệp vận tải du lịch.
Đầu năm 2023, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định cho phép ô tô trên 29 chỗ ngồi có cấp phù hiệu “xe du lịch” được phép vào trung tâm TP Nha Trang trong giờ cao điểm.
Cũng theo ông Dần, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, bên cạnh việc hoàn thành các dự án trọng điểm, việc đầu tư hoàn chỉnh các bãi đỗ xe trong TP Nha Trang là điều tất yếu.
Quy hoạch 10 bãi đổ xe ở Nha Trang
Theo ông Nguyễn Văn Dần, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh 10 vị trí bãi đỗ xe trong TP Nha Trang với quy mô phục vụ chủ yếu các xe từ chín chỗ trở lên, đặc biệt là các xe trên 30 chỗ phục vụ các điểm du lịch trong TP. Trong đó có bãi đỗ xe tại số 170 Lê Hồng Phong tại phường Phước Hải, diện tích khoảng 3.570 m2; kho cảng Bình Tân số 7-10 Trường Sơn ở phường Vĩnh Trường, diện tích khoảng 9.600 m2.
Tuy nhiên, ông Dần nói hiện các bãi giữ xe này chưa thể hình thành vì phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ chi tiết 1.2000 và phải phù hợp quy hoạch chung TP Nha Trang mới được Thủ tướng phê duyệt. “Hiện ở Nha Trang phải vẫn phải ‘chữa cháy’ bằng các bãi giữ xe tạm”- ông Dần nói.