Quy hoạch sân bay cần hiệu quả

(PLO)- Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030 sẽ hình thành 30 sân bay, trong đó có 14 sân bay quốc tế và 16 sân bay nội địa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030 sẽ hình thành 30 sân bay, trong đó có 14 sân bay quốc tế và 16 sân bay nội địa. Đến năm 2050 sẽ hình thành 33 sân bay, gồm 14 sân bay quốc tế và 19 sân bay nội địa.

Một số chuyên gia hàng không đánh giá quy hoạch tổng thể đến năm 2050, cả nước sẽ hình thành 33 sân bay là hợp lý với nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và vị trí phân bố.

Cần lưu ý vấn đề khai thác

Trao đổi với PV, nguyên Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn Phạm Ngọc Sáu nhận xét đề xuất của Bộ GTVT phù hợp cho mạng lưới phát triển đường bay. Từ thực tiễn học hỏi kinh nghiệm tại các nước để xây dựng sân bay Vân Đồn, ông Sáu đánh giá hành khách hàng không có tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội của địa phương.

Chẳng hạn như sân bay Nashville của Mỹ, với lượng khách hơn 20 triệu khách/năm, công suất như sân bay Tân Sơn Nhất nhưng chính quyền vẫn hỗ trợ cho sân bay để miễn phí cho hãng bay trong hai năm đối với các tuyến bay mới. Bởi họ tính ra tác động kinh tế tới 10,4 tỉ USD.

Một số chuyên gia đề xuất trong quy hoạch tổng thể nên đưa thêm sân bay mặt nước và sân bay chuyên dụng vì nước ta có biển đảo và hệ thống sông hồ rất rộng lớn, tiềm năng rất lớn để khai thác hàng không chung. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đây là quy hoạch dành cho hàng không thương mại, còn sân bay mặt nước và sân bay chuyên dụng nằm trong mảng hàng không chung sẽ phê duyệt theo từng dự án.

Từ đó, ông Sáu lưu ý nếu các nhà đầu tư chỉ tập trung vào xây hạ tầng, hoặc có thể có mục đích khác để tăng giá trị những khu dự án của họ, mà không quan tâm đến vấn đề khai thác thì thực sự rủi ro rất cao. “Giống như kiểu xây nhà hàng, ai xây cũng được. Nhưng nếu không quan tâm đến chất lượng dịch vụ thì khách không đến. Lúc đó việc có nhà hàng cũng không giúp được gì cho việc phát triển du lịch” - ông Sáu ví von.

Theo ông Sáu, sân bay Phú Bài là sân bay quốc tế từ mười mấy năm nhưng chưa bay quốc tế bao giờ. Còn sân bay Liên Khương là sân bay quốc nội nhưng thỉnh thoảng vẫn bay quốc tế. Tương tự, sân bay Vân Đồn có thể coi là chưa khai thác quốc tế, mà chỉ là bay charter (thuê chuyến).

Tiêu chuẩn khai thác sân bay quốc tế với quốc nội là như nhau, đều theo Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO). Nếu là bay charter thì sân bay nào cũng có thể hạ cánh, miễn là đủ chiều dài đường băng cho máy bay hạ cánh.

Các chuyên gia hàng không nhận xét quy hoạch không phải nhiều hay ít sân bay mà nên xem xét tính hiệu quả. Ảnh: P.ĐIỀN

Các chuyên gia hàng không nhận xét quy hoạch không phải nhiều hay ít sân bay mà nên xem xét tính hiệu quả. Ảnh: P.ĐIỀN

Quy hoạch bài bản không chắp vá

Nói về việc thời gian qua, nhiều tỉnh, thành như Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh đề xuất đưa vào quy hoạch sân bay, liệu có phù hợp và cần thiết không? Ông Sáu chia sẻ thực tế học hỏi kinh nghiệm ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi (Thái Lan) thì Nhà nước nên tập trung xây dựng trung tâm trung chuyển, không cần quá nhiều sân bay nhỏ.

Từ đó, ông Sáu cho rằng vấn đề quan trọng ở đây là khai thác thế nào cho hiệu quả, chứ không phải xây nhiều hay ít sân bay. Hiện tại, mọi người chỉ tập trung vào việc xây dựng nên thường đặt ra câu hỏi là có cần xây hay không? Ông Sáu dẫn chứng như sân bay Vân Đồn bỏ 5.000 tỉ đồng xây sân bay hiện vẫn chưa có lãi. Mỗi ngày sân bay này chỉ có 1-2 chuyến bay, sản lượng khai thác khoảng 150.000 khách/năm là quá ít.

Từ đó, vị lãnh đạo sân bay nhìn nhận ít chuyến bay là vấn đề lớn nên phải có chính sách hỗ trợ hãng bay để họ sẵn sàng bay ngay cả khi ít khách thì sau đó mới đông khách được. Vấn đề quan trọng nhất là phải tập trung vào lượng khách và khai thác. Do vậy, các sân bay ở gần nhau không nên mở ra nhiều, mà tập trung cho sân bay hiện hữu, bởi ở đây còn phụ thuộc vào đường không lưu.

Một chuyên gia về quy hoạch sân bay, cảng hàng không của Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam cũng khái quát quy hoạch tổng thể như vậy cơ bản đáp ứng mạng lưới sân bay tương lai. Vị này lưu ý sau năm 1975, cả nước có 310 sân bay và hơn 500 bãi đỗ, so với hiện tại, số lượng sân bay và bãi đỗ đã giảm rất nhiều để phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách và tính hiệu quả.

Theo vị này, từ năm 1992 đến 1997, công tác quy hoạch tổng thể sân bay, cảng hàng không đã được thực hiện nghiêm túc, bài bản, trong đó tính toán đến quỹ đất lâu dài cho hàng không thương mại, sân bay chuyên dùng, sân bay mặt nước. Nước ta có bờ biển dài, hệ thống sông hồ phong phú, lại chưa quy hoạch sân bay mặt nước, sân bay chuyên dụng phục vụ cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, chữa cháy...

“Nếu lập sớm sẽ có phương án chuẩn bị trước để về lâu dài không chắp vá và đảm bảo tính liên tục, không mất nhiều kinh phí cho quy hoạch, bồi thường về sau này” - vị chuyên gia nói.

Đến năm 2050 sẽ hình thành 33 sân bay

33 sân bay gồm: 14 sân bay quốc tế (Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc như trước đây);

19 sân bay quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hòa, Thành Sơn và sân bay thứ hai phía đông nam, nam thủ đô Hà Nội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm