Quy hoạch TP.HCM và triển vọng đô thị toàn cầu

(PLO)- Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã phác thảo được một tương lai phát triển của TP.HCM với tầm nhìn toàn cầu, đầu tàu trên mọi lĩnh vực.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, nhìn nhận Quy hoạch TP.HCM vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hôm 31-12-2024 được xem như kim chỉ nam để TP hướng đến một đô thị toàn cầu hấp dẫn.

Quy hoạch TP.HCM vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hôm 31-12-2024 được xem như kim chỉ nam để TP hướng đến một đô thị toàn cầu hấp dẫn. Ảnh: HÀ THANH

Tương lai của TP.HCM

. Phóng viên: Thưa ông, Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng thông qua có ý nghĩa như thế nào với TP?

+ TS Trần Du Lịch: Trước hết, Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một quy hoạch được thực hiện theo Luật Quy hoạch. Quy hoạch TP.HCM tuân thủ hai định hướng lớn của Bộ Chính trị là Nghị quyết 24/2022 về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và Nghị quyết 31/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vì vậy, quy hoạch thể hiện những định hướng phát triển lớn của TP.HCM, thể hiện tư duy và quan điểm phát triển TP.HCM trong dài hạn, trở thành một đô thị toàn cầu, có quy mô là siêu đô thị với khoảng 14-15 triệu dân. Quy hoạch cũng phản ánh rõ mối quan hệ phát triển của TP.HCM với vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt qua hệ thống giao thông kết nối, bố trí cơ cấu kinh tế các ngành.

Quy hoạch cũng nhấn mạnh rất rõ hướng chuyển đổi kinh tế TP theo kinh tế xanh và kinh tế số; nhấn mạnh vai trò kinh tế biển của TP.HCM với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, khu đô thị lấn biển Cần Giờ và khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi trong khu vực huyện Cần Giờ. Qua đó sẽ phục vụ cho chuyển đổi kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon.

Về đô thị, TP.HCM phát triển năm khu đô thị trực thuộc tại phía đông, tây, nam, bắc và huyện Cần Giờ. Cùng với TP Thủ Đức, TP.HCM sẽ hình thành đô thị trung tâm và trong tương lai gần, TP.HCM sẽ hình thành một chuỗi đô thị liên kết gồm đô thị trung tâm và các đô thị xung quanh nêu trên.

Một điểm nổi bật nữa là với bản quy hoạch này, TP.HCM có thể phân bố quỹ đất cho phát triển đô thị, công nghiệp và dịch vụ thương mại, cảng logistics… trên tỉ lệ phù hợp với chuyển đổi kinh tế. Từ đó, khẳng định TP.HCM là một trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm thương mại dịch vụ logistics và là cửa ngõ giao thương quốc tế, gắn kết với Tây Nguyên và vùng ĐBSCL.

Đáng chú ý, quy hoạch cũng đặt yêu cầu TP.HCM phải đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đến 10% để tạo sức lan tỏa, tăng vị trí, vai trò của mình trong sự phát triển chung. Có thể nói rằng bản quy hoạch đã phác thảo được một tương lai phát triển của TP.HCM với tầm nhìn toàn cầu, là đô thị toàn cầu.

TS Trần Du Lịch.

Thúc đẩy các dự án đã có từ lâu

. Từ quy hoạch này, cơ chế nào để TP.HCM có thể huy động tốt nhất các nguồn lực để thực hiện các công trình trọng điểm?

+ Một trong các dự án trọng điểm mà TP cần nhấn mạnh là Trung tâm tài chính quốc tế và chính sách phát triển trong 10 năm tới của hệ thống đường sắt đô thị, cũng như triển khai xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đặc biệt là cơ chế để huy động nguồn lực khu vực tư nhân để phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng số. Những công trình, dự án trọng điểm được đề cập trong quy hoạch đều nằm trong kế hoạch phát triển của TP, chứ không phải là điểm mới.

Tuy nhiên, quy hoạch đã khẳng định và cho phép TP áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để có thể huy động nguồn lực triển khai. Chẳng hạn như việc xây dựng Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc. Vấn đề ở đây là những dự án này không phải từ quy hoạch “đẻ” ra mà đã được hình thành từ lâu và chính từ Quy hoạch TP.HCM, chúng ta sẽ thúc đẩy để triển khai.

. Việc hình thành một TP đa trung tâm trong bối cảnh cần giải quyết các vướng mắc về đô thị như nhà ổ chuột, nhà ven kênh, liệu TP.HCM có gặp áp lực gấp đôi?

+ Dĩ nhiên đã nhiều lần chúng ta hình dung những áp lực này. Tuy nhiên, vấn đề chỉnh trang đô thị, xử lý môi trường, kênh rạch, nhà ở đã được TP.HCM lên kế hoạch từ lâu. Trong quy hoạch cũng làm rõ TP.HCM phải vừa phát triển đô thị mới vừa chỉnh trang đô thị cũ. Và để triển khai đúng yêu cầu thì giai đoạn 10 năm, từ năm 2026 đến 2035, tôi hình dung TP.HCM sẽ là một đại công trường. Nhưng sau giai đoạn đó, TP.HCM sẽ là một diện mạo hoàn toàn mới.

Sớm hoàn thiện quy hoạch phân khu, chi tiết

. Hiện nay, TP.HCM đang định hướng bức tranh kinh tế với mức tăng trưởng hai con số. Quy hoạch TP.HCM sẽ thúc đẩy thế nào để TP tiến tới mục tiêu này?

+ Trên nền tảng quy hoạch này, TP bắt buộc phải làm quy hoạch chi tiết, đi vào từng phân khu, hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch từng địa bàn. Đây là nhiệm vụ trong năm 2025-2026 của TP.HCM để định hướng thu hút đầu tư và rút ngắn quá trình thực hiện. Thiết nghĩ, khi đã có quy hoạch thì việc thu hút đầu tư sẽ thuận lợi hơn.

Như vậy với quy hoạch này, TP.HCM được đặt ra rất nhiều kỳ vọng phát triển, tôi mong TP sẽ quyết tâm để hướng đến năm 2050, TP.HCM là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á…

. Xin cảm ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới