Quỹ hưu trí công Canada là cổ đông của 2 công ty liên quan quân đội Trung Quốc?

Tờ Toronto Star ngày 2-7 tiết lộ quỹ hưu trí công của Canada đã đầu tư hàng triệu USD vào các công ty Trung Quốc được cho là đóng vai trò trong tổ hợp công nghiệp – quân sự của Bắc Kinh, vốn trước đó đã bị liệt vào “danh sách đen” của Mỹ với cáo buộc là “mối đe dọa an ninh”.

Theo đó, Ban đầu tư Kế hoạch hưu trí của Canada (gọi tắt là Ban đầu tư CPP) đã đầu tư 3 triệu USD vào cổ phần của một công ty sản xuất linh kiện cho tàu chiến Trung Quốc và 2 triệu USD vào một công ty liên kết với nhà sản xuất máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Bắc Kinh.

Cổ đông của 2 thực thể dính líu quân đội Trung Quốc

Toronto Star và tờ Guelph Mercury Tribune phát hiện rằng Ban đầu tư CPP góp cổ phần trong Tập đoàn Điện công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIGP) - một trong những thực thể đầu tiên của Bắc Kinh bị liệt vào danh sách đen của Mỹ hồi năm 2020 - kể từ ít nhất là tháng 3-2019.

Quỹ đầu tư công Canada là cổ đông của 2 công ty liên quan quân đội Trung Quốc. Ảnh: TORONTO STAR

Số cổ phiếu mà Ban nắm giữ đã tăng từ 394.000 vào tháng 3-2020 lên 862.000 cổ phiếu, trị giá khoảng 3 triệu USD, tính đến tháng 3-2021.

Ban đầu tư CPP cũng nắm giữ hơn ba triệu cổ phiếu của quỹ đầu tư AVIC Capital kể từ ít nhất là tháng 3-2019. Tuy AVIC Capital không thuộc danh sách đen của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, song hồ sơ công ty cho thấy cổ đông lớn nhất của quỹ này là Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) - nằm trong số các công ty Trung Quốc chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

AVIC là tập đoàn nhà nước Trung Quốc chuyên sản xuất máy bay phục vụ lực lượng không quân nước này.

Theo báo cáo công khai mới nhất của Ban, cổ phần của Ban đầu tư CPP trong AVIC Capital trị giá khoảng 2 triệu USD tính đến cuối tháng 3-2021.

Tuy từ chối bình luận về các khoản đầu tư cụ thể, song ông Michel Leduc – người đứng đầu bộ phận Truyền thông và vấn đề công của Ban đầu tư CPP – cho biết các khoản đầu tư của Ban “có xu hướng linh động và thay đổi nhanh chóng”.

Theo ông Leduc, bên cạnh các khoản đầu tư lớn vào các công ty riêng lẻ, Ban đầu tư CPP cũng nắm cổ phần trong các quỹ chỉ số, vốn “cho thấy có thời điểm quỹ đã sở hữu đến 10.000 cổ phiếu”.

“Điều đó không có nghĩa là ở bất kỳ thời điểm nào chúng tôi đều nắm giữ 10.000 cổ phiếu, nhưng con số chắc chắn tương đương với mức đó, và các khoản đầu tư có xu hướng là số tiền rất, rất nhỏ: một hoặc hai triệu USD, đôi khi thậm chí còn nhỏ hơn” – ông Leduc nói.

Ông Leduc lưu ý rằng báo cáo công khai của Ban mà Toronto Star and Mercury Tribune đã tiếp cận được tính đến ngày 31-3 và đến nay có thể đã thay đổi. 

Ông Leduc cho biết không rõ còn bao nhiêu cổ phiếu của hai công ty Trung Quốc, nếu có, trong danh mục đầu tư của Ban.

Trước đó, Tổng thống Biden ngày 3-6 đã ký một sắc lệnh hành pháp đưa tổng cộng 59 công ty Trung Quốc vào “danh sách đen” trừng phạt, theo đó cấm các thực thể này nhận các nguồn đầu tư từ Mỹ. Động thái này nhằm mở rộng phạm vi của sắc lệnh được chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump đưa ra, vốn “vẫn còn thiếu sót về mặt pháp lý”.

Tập đoàn AVIC lần đầu tiên bị liệt vào danh sách đen của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi năm 2020.

Tập đoàn CSIGP, là công ty con của Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC), chuyên sản xuất các tàu phục vụ lực lượng hải quân nước này. Cả hai thực thể này đều thuộc 59 thực thể chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Hồi năm 2020, CSSC bị đưa vào danh sách trừng phạt của Bộ Thương mại Mỹ với cáo buộc "đã mua và cố gắng mua các mặt hàng có xuất xứ từ Mỹ để hỗ trợ các chương trình của quân đội Trung Quốc". 

Một số công ty con của CSSC cũng bị nhắm đến vì “tham gia vào các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thực thi các yêu sách hàng hải phi pháp của nước này ở Biển Đông, cũng như các nỗ lực đe dọa và ép buộc các quốc gia ven biển khác tiếp cận và phát triển các nguồn tài nguyên biển ngoài khơi”.

Khoản đầu tư "đáng lo ngại"

Toronto Star dẫn lời ông Guy Saint-Jacques - cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc nhiệm kỳ năm 2012-2016 - đã mô tả các khoản đầu tư này là “đáng lo ngại”.

“Việc một quỹ của Canada đầu tư vào một công ty đóng tàu hoặc máy bay cho quân đội [Trung Quốc] là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Việc đầu tư này đòi hỏi quá trình xem xét toàn bộ đối chiếu với danh sách của phía Mỹ” – ông Saint-Jacques cho biết.

Ông Guy Saint-Jacques - cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc. Ảnh: TORONTO STAR

Theo ông Saint-Jacques, hậu quả từ việc đầu tư vào các công ty hỗ trợ hậu cần quân sự cho Trung Quốc có thể “đeo bám” ngược lại Canada, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh có tranh chấp với một số nước láng giềng, trong đó có Nhật tại biển Hoa Đông.

“Mỗi khi chúng ta tài trợ cho việc phát triển một tàu hải quân mới, đó là một con tàu có thể sẽ xuất hiện ở Biển Đông hoặc trong trạng thái đối đầu với Nhật, một đồng minh của chúng ta. Theo tôi, điều này là hoàn toàn đáng trách" – ông Saint-Jacques nhấn mạnh.

Trích dẫn vụ Trung Quốc bắt giữ và xét xử hai công dân Canada là ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor, vị cựu đại sứ bày tỏ nghi vấn về sự khôn ngoan trong việc đầu tư vào thời kỳ Bắc Kinh có các hành vi gây hấn, đồng thời cảnh báo rằng không có gì có thể ngăn Bắc Kinh “đóng băng” các khoản đầu tư của Canada vào Trung Quốc.

Ông Saint-Jacques cho rằng nhiều nhà quản lý của Ban đầu tư CPP đã quá quan tâm đến lợi nhuận.

Nghị sĩ Alistair MacGregor thuộc Đảng Dân chủ Mới (NDP) cũng chia sẻ cùng quan điểm với ông Saint-Jacques. Hồi năm 2020, ông MacGregor đã đưa ra dự thảo luật kêu gọi Ban đầu tư của CPP đầu tư “có đạo đức”. Tuy nhiên, hồi tháng 3, dự luật đã không được thông qua khi vấp phải sự phản đối từ nhiều thành viên đảng Bảo Thủ và đảng Tự do Canada.

Ông MacGregor nghi ngờ về khả năng công chúng Canada sẽ chấp thuận một quỹ hữu trí công đầu tư vào ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc.

“Tôi nghĩ khá rõ ràng rằng chúng ta cần có một lớp giám sát khác đối với cách Ban Đầu tư CPP đầu tư nguồn tiền của chúng ta” – ông MacGregor cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm