Trung Quốc: EU ra điều kiện 'không thể chấp nhận' liên quan vấn đề Tân Cương

Theo tờ South China Morning Post ngày 2-7, phái bộ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) đã cáo buộc các nhà ngoại giao châu Âu áp đặt các điều kiện tiên quyết "không thể chấp nhận được" trước khi đến thăm Tân Cương.

Trong một tuyên bố được công bố ngày 2-7, cơ quan Trung Quốc cũng phản đối việc cơ quan này phản hồi một bản kiến nghị về các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương với tuyên bố rằng họ sẽ giải quyết những lo ngại về lao động cưỡng bức.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: AP

Theo tuyên bố, Trung Quốc cho biết đã gửi lời mời Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đến thăm Tân Cương và hai bên thường xuyên liên lạc.

Ngoài ra, nước này cũng khẳng định đã nhiều lần mời các nhà ngoại giao của EU và các nước thành viên sang thăm Tân Cương. Tuy nhiên, chuyến đi đã không được thực hiện do những điều kiện do phía EU đặt ra - những điều kiện mà Trung Quốc cho là "bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào cũng đều không thể chấp nhận".

Bắc Kinh nói rằng các nhà phê bình được hoan nghênh đến thăm khu vực và đã sắp xếp các chuyến tham quan cho các nhà ngoại giao và truyền thông nước ngoài. Theo Bắc Kinh, hơn 1.200 nhà ngoại giao từ các quốc gia - bao gồm Saudi Arabia, Algeria, Ai Cập và Nga đã đến thăm khu vực kể từ năm 2019.

Tuy nhiên, các nhà phê bình nói rằng các chuyến tham quan được quản lý theo từng giai đoạn và đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc cho phép một cuộc điều tra độc lập.

Tuyên bố của phái bộ Trung Quốc được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu - cơ quan chính sách an ninh và đối ngoại của EU cho biết khối đã có "lập trường vững chắc" về nhân quyền ở Tân Cương.

Cơ quan này cho biết sẽ đưa ra các quy tắc thẩm định mới để đảm bảo các công ty châu Âu xác định và giải quyết rủi ro lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của họ.

Trung Quốc đã bị các nước phương Tây cáo buộc giam giữ một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở các trung tâm "cải tạo" và có hành vi vi phạm nhân quyền đối với họ. Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều lần bác bỏ các cáo buộc trên và khẳng định nước này đang cố gắng chống lại chủ nghĩa cực đoan, quản lý căng thẳng sắc tộc và giảm nghèo ở khu vực.
Quan hệ trung Quốc - EU ngày càng căng thẳng vào tháng 5 sau khi Brussels áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc liên quan vấn đề ở Tân Cương. Đây lệnh trừng phạt đầu tiên mà khối này đã thông qua với Trung Quốc kể từ năm 1989.

Đáp lại, Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số nhà nghiên cứu, tổ chức tư vấn, chính trị gia châu Âu và ủy ban nhân quyền của nghị viện châu Âu, khiến Nghị viện châu Âu đóng băng việc phê chuẩn thỏa thuận đầu tư giữa hai bên.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm