Mỹ tính lập Lực lượng Đặc nhiệm Hải quân thường trực TBD đối phó TQ

Bộ Quốc phòng Mỹ đang cân nhắc một loạt sáng kiến để đối phó Trung Quốc – “mối đe dọa số một của Mỹ” như lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Mỹ sẽ có Lực lượng Đặc nhiệm Hải quân thường trực Thái Bình Dương?

Bộ Quốc phòng Mỹ đang cân nhắc lập một Lực lượng Đặc nhiệm Hải quân thường trực ở khu vực Thái Bình Dương nhằm đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc, trang tin Politico dẫn hai nguồn thạo tin cho biết.

Chuyện bàn bạc này do Đội đặc nhiệm về Trung Quốc thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ tiến hành. Hồi tháng 3 Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủy quyền cho Đội này xem xét lại các chính sách và quy trình liên quan Trung Quốc của Bộ Quốc phòng.

Dẫn đầu Đội đặc nhiệm về Trung Quốc là cố vấn quốc phòng và chính sách đối ngoại Ely Ratner - người được đề cử vào vị trí Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông Ratner vừa hoàn thành việc xem xét và trình báo cáo, đề xuất lên Bộ trưởng Quốc phòng Austin.

Theo kế hoạch, bên cạnh Lực lượng Đặc nhiệm Hải quân thường trực Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng sẽ vạch một chiến lược quân sự cho khu vực này nhằm tạo điều kiện để Bộ Quốc phòng Mỹ phân bổ nguồn lực đối phó vấn đề Trung Quốc.

Dựa vào hoạt động của Đội đặc nhiệm do ông Ratner dẫn đầu, tuần trước Bộ trưởng Quốc phòng Austin chỉ thị nỗ lực giải quyết tốt hơn các thách thức an ninh từ Trung Quốc mà ông coi là "thách thức số một" với Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley đến điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện về yêu cầu ngân sách Bộ Quốc phòng, ngày 10-6. Ảnh: REUTERS

Các sáng kiến này hiện vẫn đang trong giai đoạn bàn thảo, chưa có quyết định cuối cùng.

“Chúng tôi đang xem xét một số đề xuất ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và ở Bộ Quốc phòng để đồng bộ hóa và điều phối tốt hơn các hoạt động của mình” – một quan chức quốc phòng Mỹ nói về tiến trình xem xét các sáng kiến. Cũng theo quan chức này, còn rất nhiều chi tiết cần phải thống nhất.

Mỹ tập trung nguồn lực về Thái Bình Dương

Theo ông Elbridge Colby từng là quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ thời Tổng thống Trump, các sáng kiến này dù không phải là “viên đạn bạc” để giải quyết vấn đề Trung Quốc, nhưng những nỗ lực này là tín hiệu đáng khích lệ cho thấy ý định của Lầu Năm Góc chuyển nguồn lực từ Trung Đông sang tăng đáp ứng yêu cầu ở Thái Bình Dương.

Nhà phân tích Jerry Hendrix tại công ty tư vấn Telemus Group nhận xét các sáng kiến từ Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ là một “biện pháp răn đe vì nó thể hiện sự thống nhất nỗ lực chống lại các mối đe dọa thái quá của Trung Quốc đối với các khái niệm biển tự do và thương mại tự do, từ các yêu sách lãnh hải rộng lớn của nước này”.

Politico cho rằng hai sáng kiến này sẽ tăng trọng lượng cho phát ngôn của Tổng thống Mỹ Joe Biden về Trung Quốc đồng thời phát tín hiệu rằng chính phủ mới của Mỹ suy nghĩ và hành động nghiêm túc về chuyện Trung Quốc tăng quy mô quân sự và có các hành vi gây hấn ở khu vực Thái Bình Dương.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt di chuyển cùng Nhóm tác chiến tàu đổ bộ Makin Island ở Biển Đông hồi tháng 4. Ảnh: POLITICO

Thông tin này đến trong bối cảnh các lãnh đạo NATO đang ngày càng sát cánh cùng Mỹ trong chủ trương đối đầu Trung Quốc. Bốn năm qua, người tiền nhiệm của Tổng thống Biden là Tổng thống Donald Trump đã xác định đối phó Trung Quốc là một ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu. Và tuần này các đồng minh NATO của Mỹ đã tuyên bố xem Trung Quốc là một thách thức an ninh, cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực phá bỏ trật tự toàn cầu.

Dựa theo cấu trúc của NATO

Theo các nguồn tin thì Lực lượng Đặc nhiệm Hải quân thường trực Thái Bình Dương sẽ được xây dựng dựa trên một cấu trúc mà NATO khởi xướng ở châu Âu trước và trong thời chiến tranh lạnh – Lực lượng Hải quân thường trực Đại Tây Dương.

Lực lượng Hải quân thường trực Đại Tây Dương là lực lượng phản ứng tức thì, có thể nhanh chóng ứng phó với khủng hoảng. Phần lớn thời gian lực lượng này hoạt động xung quanh khu vực, tham gia tập trận theo lịch trình và thực hiện các chuyến cập cảng thiện chí. Thường thì lực lượng này có từ 6-10 tàu (khu trục, tàu chở máy bay, tàu hỗ trợ) từ nhiều nước NATO, và luân phiên mỗi sáu tháng.

Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ ở hạt Arlington, bang Virginia (Mỹ). Ảnh: TNS

Theo nhà phân tích Jerry Hendrix tại công ty tư vấn Telemus Group nhận xét Lực lượng Hải quân thường trực Đại Tây Dương cho phép các nước NATO “tối đa hóa ảnh hưởng trên biển”. Ông cho rằng Lực lượng đặc nhiệm hải quân Thái Bình Dương nếu muốn hoạt động hiệu quả nên bao gồm cả các đồng minh châu Âu như Anh và Pháp – những nước đang tăng dần hiện diện hải quân ở khu vực này, cũng như cả Úc và Nhật.

Vẫn chưa rõ liệu lực lượng đặc nhiệm này sẽ chỉ gồm các tàu Mỹ hay cả tàu hải quân các nước khác, theo các nguồn tin của Politico.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm