Quy trình FBI xin lệnh xét nhà ông Trump diễn ra như thế nào?

(PLO)- Các đặc vụ FBI phải trải qua một quá trình xin lệnh xét nhà ông Trump được quy định chặt chẽ và bảo vệ tuyệt mật, thậm chí còn phải trình lên các quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc các đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đột kích dinh thự Mar-a-Lago (bang Florida, Mỹ) hôm 8-8 đặt ra câu hỏi về việc làm cách nào cơ quan này có thể xin được một lệnh xét nhà như vậy.

Theo hãng tin AP, các chuyên gia nói rằng đây là một quy trình được quy định chặt chẽ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trước khi trình lên thẩm phán. Lệnh xét dinh thự ông Trump, ngoài các yếu tố nêu trên, thậm chí còn phải được các quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp phê duyệt mới được tiến hành.

Lệnh xét nhà ông Trump được xin thế nào?

Để xin được lệnh xét nhà ông Trump, trước tiên, các nhà điều tra phải chứng minh được với một thẩm phán rằng họ có đủ bằng chứng cho thấy đối tượng đó đã phạm tội. Phía FBI phải nộp tờ trình (trình bày đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý cho thấy cần khám xét) lên thẩm phán tòa liên bang hoặc tòa án cấp hạt.

Các thẩm phán này không phải do tổng thống đề cử và Thượng viện phê chuẩn. Thay vào đó, họ được thẩm phán tòa cấp hạt bổ nhiệm để xử lý các vấn đề như đơn xin lệnh khám xét và tổ chức phiên điều trần lần đầu đối với bị cáo.

Xe cảnh sát đỗ bên ngoài dinh thự Mar-a-Lago (bang Florida, Mỹ) của ông Trump. Ảnh: AP

Xe cảnh sát đỗ bên ngoài dinh thự Mar-a-Lago (bang Florida, Mỹ) của ông Trump. Ảnh: AP

Thẩm phán có thể hỏi thêm thông tin và thẩm vấn các đặc vụ FBI về việc xin lệnh khám xét. Thẩm phán sẽ chỉ ký duyệt lệnh khám xét nếu có đủ bằng chứng tin rằng hành vi phạm tội đã xảy ra tại nơi được xin khám xét.

Theo ông Dennis Lormel - người từng phục vụ 28 năm trong FBI, lệnh khám xét này rất nhạy cảm do liên quan một cựu tổng thống, nên cả Bộ Tư pháp và thẩm phán đều phải cân nhắc rất kỹ. “Đây không phải là tình huống kiểu cứ đến và xét. Quá trình này phải được giữ kín và nghiêm ngặt hết mức có thể” - ông Lormel nói.

Theo AP, quá trình xin lệnh khám xét phải được thực hiện bí mật để tránh đánh động người sắp bị xét nhà và mọi hồ sơ tòa án liên quan đơn xin khám xét cũng sẽ được niêm phong. Hồ sơ chỉ được mở khi khởi tố vụ án hình sự, tuy vậy, các nhà chức trách vẫn có quyền giữ mật các tài liệu này sau khi vụ án được khởi tố. Người bị khám xét có quyền xem lệnh nhưng không được xem tờ trình của FBI.

Nếu xét nhà mà không có lệnh hay lý do thỏa đáng, thì bất kỳ bằng chứng nào thu giữ được đều sẽ bị loại bỏ, nghĩa là không thể sử dụng nó trước tòa.

Ông Brian O’Hare - Chủ tịch Hiệp hội đặc vụ FBI - nói rằng rằng tất cả lệnh khám xét “phải đáp ứng các quy tắc thủ tục chi tiết và rõ ràng, đồng thời là kết quả của sự hợp tác và tham vấn với các luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ”.

Riêng trường hợp này, khi thi hành lệnh khám xét, FBI còn phải thông báo cho Sở Mật vụ Mỹ - cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ cựu tổng thống và nhà của ông.

Một nguồn thạo tin nói với AP rằng FBI đã liên hệ với Sở Mật vụ ngay trước khi thực thi lệnh xét nhà. Phía Sở Mật vụ đã liên hệ với Bộ Tư pháp để xác thực lệnh, trước khi cho các đặc vụ FBI vào dinh thự của cựu tổng thống.

Luật nào được áp dụng?

Theo AP, không rõ các quan chức thực thi pháp luật Mỹ nhận định hành vi vi phạm pháp luật nào đã xảy ra, khiến họ phải xin lệnh xét nhà ông Trump. Tuy vậy, có nhiều đạo luật liên bang đề cập việc xử lý các hồ sơ mật, trong đó có các đạo luật quy định việc xóa bỏ hoặc lưu giữ trái phép tài liệu mật là tội hình sự.

Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, ban hành vào năm 1978 sau vụ bê bối Watergate, yêu cầu bảo quản các tài liệu của Nhà Trắng tương tự tài sản của chính phủ Mỹ.

Đạo luật yêu cầu lưu trữ các hồ sơ như email, tin nhắn, nhật ký điện thoại, song chưa bao giờ có trường hợp một cựu tổng bị trừng phạt vì vi phạm đạo luật này. Ngoài ra, đạo luật cũng không quy định chế tài cụ thể đối với hành vi vi phạm.

Một đạo luật liên bang khác quy định rằng nếu bất kỳ ai đang quản lý hồ sơ của chính phủ mà “cố ý che giấu, xóa, cắt xén hoặc tiêu hủy” tài liệu một cách cố ý và bất hợp pháp đều là hành vi phạm tội hình sự. Nếu bị kết án, người này sẽ bị phạt tiền hoặc lãnh án 2-3 năm tù, hoặc cả hai.

Đạo luật này cũng quy định người bị kết án "sẽ bị tước bỏ chức vụ và không đủ tư cách đảm nhiệm bất kỳ chức vụ nào của Mỹ”. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý đã nói rằng đạo luật sẽ không áp dụng đối với tổng thống - chức vụ vốn được Hiến pháp điều chỉnh.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đích thân duyệt lệnh xét nhà ông Trump

Ngày 11-8, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho biết đích thân ông đã phê duyệt lệnh xét nhà ông Trump. Ông cũng nhấn mạnh rằng phía Bộ Tư pháp “không hề xem nhẹ một quyết định như vậy”, hãng AFP đưa tin.

Vị bộ trưởng không tiết lộ chi tiết lý do cuộc đột kích, song cho biết cũng chính ông là người yêu cầu công khai xác nhận lệnh này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm