Hôm qua (29-9), Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã họp kỳ thứ 18 về một số nội dung, công việc. Trong số đó, vấn đề được dư luận quan tâm nhất là xem xét việc thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 cùng hai cá nhân là ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP và ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Cảnh cáo Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ
Cuộc họp quan trọng này được tiến hành chưa đầy hai tuần sau khi UBKT Trung ương kết luận về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với Ban Thường vụ Thành ủy và hai lãnh đạo nói trên. Trong hai tuần ấy, thực hiện kế hoạch của UBKT Trung ương, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành (BCH) đảng bộ Đà Nẵng và các tổ chức đảng liên quan đã tiến hành kiểm điểm với cá nhân hai ông Nguyễn Xuân Anh, Huỳnh Đức Thơ cũng như với chính Ban Thường vụ.
Về những ngày Thành ủy Đà Nẵng “phê và tự phê” này, cơ quan kiểm tra của Trung ương đánh giá việc kiểm điểm đã được thực hiện nghiêm túc, đúng kế hoạch. Ban Thường vụ và các cá nhân được kiểm tra đều thống nhất với kết luận của UBKT Trung ương; cho rằng việc kiểm tra là đúng đắn, kịp thời; những vi phạm, khuyết điểm được chỉ ra là bài học sâu sắc cho công tác xây dựng Đảng và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.
Trên cơ sở những vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 17, kết quả kiểm điểm tại các tổ chức đảng Đà Nẵng, UBKT Trung ương nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng như hai ông Nguyễn Xuân Anh, Huỳnh Đức Thơ là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ, chính quyền TP, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Căn cứ vào các quy định của Đảng, trong thẩm quyền của mình, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ.
Đối với Ban Thường vụ Thành ủy và Bí thư Nguyễn Xuân Anh, trong thông cáo báo chí về kỳ họp thứ 18, UBKT Trung ương chỉ nêu vắn tắt là đề nghị Bộ Chính trị, BCH Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền.
Kỳ họp thứ 18 của UBKT Trung ương mới kết thúc. Thông tin chính thức duy nhất là thông cáo báo chí. Nguồn tin từ cơ quan này cho biết các văn bản chính thức gửi Bộ Chính trị đang được soạn thảo và còn cần thời gian hoàn thiện trước khi gửi đi.
Ông Nguyễn Xuân Anh. Ảnh: TTXVN
Thẩm quyền thi hành kỷ luật
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định rõ về thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm. Trong đó, UBKT từ cấp huyện trở lên cũng có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật. Tuy nhiên, với cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý và cấp ủy viên cấp dưới trực tiếp, cơ quan kiểm tra chỉ có quyền kỷ luật tối đa tới mức cảnh cáo. Nếu thấy cần áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn, UBKT phải đề nghị cấp ủy cấp trên quyết định.
Một nguồn tin am hiểu sâu về quy trình kiểm tra, kỷ luật của Đảng cho biết trong trường hợp Đà Nẵng, ông Thơ là phó bí thư Thành ủy, thuộc diện Ban Bí thư quản lý - trong tương quan với UBKT Trung ương là cùng cấp ủy quản lý. Cơ quan kiểm tra đã quyết định hình thức kỷ luật cao nhất trong thẩm quyền của mình là cảnh cáo.
Đối với ông Xuân Anh, là ủy viên Trung ương đương nhiệm, thuộc diện Bộ Chính trị quản lý. Theo điều lệ, Bộ Chính trị có thẩm quyền kỷ luật cao nhất là cảnh cáo với cấp ủy viên cỡ này. Còn sai phạm đến mức cần kỷ luật ở hình thức nghiêm khắc hơn, chẳng hạn cách chức, khai trừ đảng thì thuộc thẩm quyền BCH Trung ương.
Đấy là quy định kỷ luật với đảng viên vi phạm. Còn với tổ chức đảng vi phạm, cũng theo điều lệ, thẩm quyền quyết định kỷ luật nhìn chung thuộc về cấp ủy cấp trên trực tiếp. Cấp ủy cấp trên trực tiếp của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng là BCH Trung ương.
Quy trình xem xét kỷ luật
Vẫn theo nguồn tin trên, tháng 7-2016, Hội nghị Trung ương 3 khóa XII đã ban hành Quy định 30 về thi hành Chương VII và VIII Điều lệ Đảng. Đây là văn bản quy định cụ thể về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng thay cho văn bản tương tự của Trung ương khóa trước. Ngoài ra, tháng 7-2008, Bộ Chính trị ban hành Quy định 174 về một quy trình riêng để xem xét thi hành kỷ luật với đảng viên là ủy viên BCH Trung ương.
Theo các quy định này, Bộ Chính trị có quyền khiển trách, cảnh cáo ủy viên Trung ương. Thông thường, để thận trọng, dù mức kỷ luật có thể thấp hay cao hơn, với cán bộ cỡ này, Bộ Chính trị đều trình Trung ương xem xét.
Liên quan đến nội dung kỳ họp 18 của UBKT Trung ương, trao đổi với PV qua điện thoại chiều 29-9, ông Đào Tấn Bằng, Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, cho hay: “Tôi vừa mới đi họp về, chưa nắm được thông tin nên không có bình luận gì về việc này…”. Ngay sau đó, PV đã cố gắng liên lạc với ông Trần Đình Quỳnh, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng nhưng không có kết quả. TÂM AN |
Quy trình xem xét gồm một số bước cơ bản. Đầu tiên, trên cơ sở báo cáo của UBKT Trung ương, Bộ Chính trị thảo luận và bỏ phiếu đề xuất hình thức kỷ luật với đảng viên vi phạm và có tờ trình gửi Trung ương. Tới phiên họp của Trung ương, Chủ nhiệm UBKT Trung ương đọc tờ trình của Bộ Chính trị đề nghị thi hành kỷ luật với đảng viên vi phạm. Tiếp theo, Trung ương nghe đảng viên vi phạm và đại diện tổ chức đảng nơi người đó công tác trình bày bằng văn bản bản kiểm điểm của mình. Sau đó, đại diện UBKT Trung ương báo cáo, làm rõ thêm những ý kiến khác nhau giữa kết luận của Bộ Chính trị với ý kiến của đảng viên vi phạm nếu có.
Nguồn tin cho biết sau khi nghe các báo cáo, Trung ương họp riêng với đại diện Văn phòng Trung ương, UBKT Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương thảo luận, biểu quyết hình thức kỷ luật bằng bỏ phiếu kín. Về nguyên tắc, từng ủy viên Trung ương có quyền lựa chọn từ không kỷ luật tới khiển trách, cảnh cáo, cách chức, thậm chí khai trừ. Hình thức kỷ luật nào đạt số phiếu quá bán thì “chốt” luôn. Nếu kết quả bỏ phiếu tản mát thì cộng dồn số phiếu từ hình thức kỷ luật cao nhất xuống đến hình thức kỷ luật liền kề thấp hơn. Đến hình thức nào mà kết quả có đủ đa số phiếu theo quy định thì lấy hình thức đó để quyết định.
4 vi phạm, khuyết điểm của Bí thư Nguyễn Xuân Anh Ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, có các vi phạm, khuyết điểm sau: - Với cương vị là người đứng đầu Thành ủy, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020. - Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của ông Nguyễn Xuân Anh đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy. - Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và quy định những điều đảng viên không được làm. - Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng hai nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội. (Thông cáo báo chí kỳ họp thứ 17 Hội nghị Trung ương 6 khai mạc ngày 4-10 Hiện các ủy viên Trung ương đã nhận được thư mời triệu tập tham dự Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương khóa XII, dự kiến khai mạc vào ngày 4-10. Ngoài các đề án, báo cáo thường kỳ theo chương trình công tác toàn khóa, các ủy viên chưa nhận được chương trình làm việc cụ thể của hội nghị lần này. Tuy nhiên, theo một nguồn tin cao cấp từ Văn phòng Chính phủ, sát ngày khai mạc sẽ có chương trình cụ thể và những nội dung kiểu như xem xét kỷ luật sẽ được đưa vào dưới dòng chữ “công tác nhân sự”. Nếu được đưa ra Trung ương xem xét thì ông Nguyễn Xuân Anh sẽ là đảng viên cao cấp thứ hai từ đầu khóa đến nay bị xử lý kỷ luật. Trước đó là ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, bị kỷ luật cảnh cáo và được Trung ương cho thôi chức ủy viên Bộ Chính trị. |