Ngày 27-1 (tức mùng 6 tháng Giêng), Lễ kỷ niệm 1983 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên), 1980 năm Hai Bà Trưng mất (năm 43-2023 sau Công nguyên) và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2023 đã trang trọng diễn ra tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc đã tham dự.
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đại biểu dâng hương tại đền Hai Bà Trưng. Ảnh: TTXVN |
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã tham dự nghi thức đọc Chúc văn và dâng hương tại đền thờ Hai Bà Trưng.
Các đại biểu và nhân dân cùng nhau ôn lại công lao của Hai Bà Trưng, tưởng nhớ đến các vị tướng lĩnh tài ba, các nghĩa binh trung liệt. Hai Bà Trưng và cuộc Khởi nghĩa của Hai Bà (năm 40-43 sau Công nguyên) đã đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, in đậm trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam.
Tại lễ kỷ niệm, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh Hai Bà Trưng là biểu tượng của ý chí hiên ngang và khí phách quật cường của dân tộc ta, thể hiện truyền thống yêu nước nồng nàn của phụ nữ Việt Nam.
Lễ hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: TTXVN |
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam do phụ nữ lãnh đạo. Từ trong ngọn lửa của cuộc khởi nghĩa ấy tỏa ra chân lý lịch sử: Một dân tộc dù nhỏ bé nhưng đã quyết tâm đứng lên, đoàn kết một lòng làm chủ đất nước và số phận của mình thì không một sức mạnh cường bạo nào có thể tiêu diệt được.
Quân Đông Hán có thể đánh bại chính quyền Trưng Vương nhưng tinh thần yêu nước, ý chí quật cường mà cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã khơi dậy thì không bao giờ bị dập tắt.
Hai Bà Trưng là hiện thân cho ý chí vươn lên của dân tộc ta, mở đầu cho xu thế phát triển của lịch sử hào hùng đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc, nó có tác dụng mở đường, đặt phương hướng cho các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sau này.
Theo Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng không những để lại cho chúng ta một sự nghiệp vĩ đại, mà cũng để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá.
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dâng hương tại đền Hai Bà Trưng. Ảnh: TTXVN |
“Đó là sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc phải gắn liền với việc phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đặc biệt là phát huy sức mạnh, trí tuệ, tinh thần quật khởi của phụ nữ” – Quyền Chủ tịch nước nhấn mạnh và cho hay chúng ta tự hào về truyền thống phụ nữ Việt Nam nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của Hai Bà Trưng, đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng tổ quốc.
Ngược dòng lịch sử, năm 40 sau Công nguyên, trên mảnh đất Mê Linh, Hai Bà Trưng đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa kêu gọi hào kiệt bốn phương cùng nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi quân Đông Hán cai trị đất nước ta, giành độc lập cho dân tộc.
Được sự hưởng ứng của Lạc Hầu, Lạc Tướng và nhân dân khắp 65 huyện thành, chỉ trong thời gian ngắn, với khí thế sục sôi, mạnh mẽ như nước vỡ bờ, Hai Bà Trưng đã lãnh đạo nhân dân cả nước đã đánh đuổi quân Tô Định ra khỏi bờ cõi, giành lại giang sơn, chấm dứt ách đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã ghi một dấu son sáng chói đầu tiên trong lịch sử giữ nước của dân tộc.
Ngay sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Hai Bà Trưng xưng Vương, lập Kinh đô, tiến hành củng cố, xây dựng lại đất nước. Hai Bà Trưng đã trở thành vị vua nữ đầu tiên của dân tộc, nữ vương đầu tiên trên thế giới.
Sau khi Hai Bà mất, nhân dân huyện Mê Linh đã lập đền thờ Hai Bà để tỏ lòng tri ân và tôn kính đối với Hai Bà Trưng cùng lục bộ chư tướng, cầu mong Hai Bà phù hộ độ trì cho Quốc thái dân an.