Thời gian qua, Pháp Luật TP.HCM có nhận được một số thắc mắc của bạn đọc liên quan đến vấn đề người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) phải trả chi phí chênh lệch giá dịch vụ y tế rất khác nhau khi đi khám chữa bệnh (KCB). Đồng thời, bạn đọc cũng quan tâm đến vấn đề thiếu thuốc ở một số bệnh viện trong thời gian qua.
Cơ quan BHXH TP.HCM đã có những giải đáp thắc mắc liên quan xung quanh vấn đề trên.
Người bệnh tự trả chi phí sử dụng dịch vụ
. Phóng viên: Theo các số liệu của ngành BHXH cho thấy hiện nay tỉ lệ chi phí KCB mà người bệnh phải trả thêm là khoảng 45%-50% trên tổng chi phí KCB. Những bất cập và hạn chế này sẽ được giải quyết như thế nào trong thời gian tới?
+ Bảo hiểm xã hội TP.HCM: Hiện nay, BHXH thanh toán chi phí KCB BHYT theo quy định của Luật BHYT, Nghị định 146/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn. Vì thế, những quyền lợi KCB BHYT của người bệnh được đảm bảo đúng, đủ theo quy định của Luật BHYT. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các cơ sở KCB đa số thực hiện tự chủ tài chính, hầu hết các cơ sở đều có khu KCB dịch vụ theo yêu cầu của người bệnh (phòng dịch vụ, phẫu thuật dịch vụ theo yêu cầu, chế độ chăm sóc, dinh dưỡng…). Vì vậy, bệnh nhân BHYT khi vào viện nếu có yêu cầu dịch vụ thì được thanh toán các chi phí trong phạm vi quyền lợi với mức giá quy định của Nhà nước, phần đồng chi trả theo luật và chênh lệch dịch vụ người bệnh tự trả.
Dự kiến trong thời gian tới, Luật BHYT có sửa đổi, trong đó có phần tham gia BHYT bổ sung ngoài bảo hiểm nền thì phần chênh lệch sẽ thu hẹp.
Người dân đến đăng ký khám chữa bệnh tại BV đa khoa quận Gò Vấp. Ảnh: NGUYỄN HIỀN |
Khắc phục tình trạng thiếu thuốc
. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong KCB BHYT đã diễn ra thường xuyên và kéo dài. Vậy tình trạng này được giải quyết thế nào để người khám bệnh BHYT không bị ảnh hưởng đến quá trình điều trị?
Cơ quan BHXH có những giải pháp nào để không diễn ra tình trạng người bệnh BHYT phải tự mua thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng?
+ Tình trạng thiếu thuốc cục bộ trên địa bàn TP trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh nói chung, người bệnh BHYT nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đã và đang được ngành y tế nỗ lực khắc phục.
Ngay từ khi có một số thông tin ban đầu về tình trạng thiếu thuốc, BHXH TP.HCM đã có các văn bản gửi Sở Y tế và các cơ sở KCB yêu cầu có các biện pháp tích cực để cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế cho bệnh nhân KCB BHYT trong phạm vi quyền lợi theo quy định. Theo đó, BHXH TP.HCM đã yêu cầu các cơ sở KCB phải dự trù số lượng thuốc, vật tư y tế hợp lý, đảm bảo cung ứng đầy đủ cho người bệnh cho đến khi có kết quả thầu mới. Đồng thời hướng dẫn cơ sở KCB sử dụng thuốc thay thế hoặc liên hệ với đơn vị còn thuốc, chuyển bệnh nhân đến điều trị để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân BHYT.
Ngoài ra, BHXH TP.HCM và Sở Y tế đã báo cáo, phối hợp với BHXH Việt Nam và Bộ Y tế kiến nghị các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu một số thuốc hiếm do không được nhập khẩu vào Việt Nam, các thuốc không có nhà thầu cung cấp.•
Mức hưởng của học sinh, sinh viên khi khám chữa bệnh BHYT
. Học sinh, sinh viên (HSSV) khi đi KCB BHYT thì sẽ được thanh toán chi phí KCB như thế nào?
+ HSSV khi đi KCB BHYT đúng quy định thì được thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng như sau: Đối với trường hợp HSSV KCB BHYT đúng tuyến thì sẽ được hưởng 100% chi phí KCB BHYT nếu tổng chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (tương đương 223.500 đồng); KCB tại tuyến xã (trạm y tế xã, phường, thị trấn); có thời gian tham gia BHYT năm năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở (tương đương 8.940.000 đồng).
HSSV được hưởng 80% chi phí KCB trong phạm vi được hưởng BHYT, phần còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở KCB.
Đối với trường hợp HSSV KCB BHYT không đúng tuyến tại bệnh viện tuyến trung ương: Được hưởng 40% chi phí điều trị nội trú, tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú, tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí KCB ngoại trú, nội trú.