Như thường lệ, vợ chồng anh Lê Văn Đời xách dao đi chặt lá dừa nước ở một con rạch gần đó.
Hơn chục năm trước, chứng kiến cha bị xơ gan nặng phải vay 50 triệu đồng chữa chạy, nhà lại chẳng có ruộng đất, Đời không còn thiết tha học hành, một thân một mình bỏ xứ lên TP kiếm việc mặc cho mọi người can ngăn. Chuyến xe đò đưa cậu bé 10 tuổi đến vùng Cát Lái, khi ấy không khác quê nghèo Trà Ôn (Vĩnh Long) của cậu là mấy, chi chít những hàng dừa nước. Đã sẵn trong mình máu người miền Tây, Đời chọn ở lại chặt lá dừa bán cho mấy người mở quán cà phê sân vườn kiếm sống.
Thấy chàng trai khổ cực chăm chỉ, ông Lê Văn Tốt - một người chuyên nghề lợp mái lá ở Nhơn Trạch cảm mến, nhận Đời làm con, dẫn về Đồng Nai nuôi nấng. Được một thời gian thì nguồn lá dừa cạn kiệt, gia cảnh ông Tốt cũng đi xuống. Dù rất buồn, Đời phải từ giã người cha nuôi trở lại chốn cũ cất một chòi lá dừa giữa khu đất đã quy hoạch.
Một ngày, Đời bắt gặp một cô gái áo quần lem luốc bì bõm trong bụi dừa nước, nặng nhọc vác từng tàu lá mới chặt ra. Đó không ai khác chính là chị Nguyễn Thị Bé Xuân, người đang lui cui phụ chồng chia những tàu lá mới tước thành từng ốp (ảnh).
Chị Xuân nhỏ nhẹ: “Ở tận huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), hai công ruộng ít ỏi không đủ để ba má nuôi em và anh hai ăn học. Bà ngoại mắc bệnh tiểu đường, khổ cực càng thêm chồng chất. Ngày bà mất cũng là ngày em quyết chí lên Sài Gòn tìm kế đổi đời”.
Có lẽ vì đồng cảnh ngộ, ngay sau lần đầu gặp gỡ, hai người nhanh chóng gần gũi rồi yêu nhau. Hôn lễ của họ được tổ chức âm thầm tại chính mái lá nhà cha nuôi của Đời, vì hai bên dòng họ đều quá nghèo.
Chị Xuân chia sẻ mỗi ngày chặt lá kiếm được trên dưới 100.000 đồng, làm bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu. Bữa nào lá không ai mua, hai vợ chồng lại ra bờ sông Ông Giồng lưới đại con cá, con tôm về kho.
Ở đây họ đã từng chứng kiến bao nhiêu chuyện tranh giành cướp bóc. Cũng đã từng có người rủ rê người vợ trẻ làm chuyện xấu như bán cà phê đèn mờ nhưng chị đều từ chối. “Có gian khó cỡ nào trời cũng không tuyệt đường con người đâu. Miễn mình sống sao đừng làm gì bậy với đời, với người là được chồng hén!” - Xuân nói.
Ba năm kể từ ngày cưới, họ vẫn luôn thiếu trước hụt sau nhưng từ đám bùn của lùm dừa nước, họ vẫn an nhiên sống. Trong hoàn cảnh cùng cực, biết khước từ chuyện bôi xấu cho xã hội thì đã xứng đáng là một người tốt.