Ra đường, sợ nhất là tiếng còi xe

Mỗi ngày đi trên đường, nhiều người phải chịu đựng những tiếng còi bấm inh ỏi vô tội vạ, bấm còi không cần lý do.

Sở thích giao tiếp bằng còi đã trở thành thói quen, câu chuyện nan giải tại các đô thị có mật độ giao thông lớn hiện nay như TP.HCM hay Hà Nội. Không ai phủ nhận tác dụng của còi xe, tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực của tiếng còi thì không ít người lại đang có thói quen bấm còi bất chấp.

Nhiều bạn đọc đã bày tỏ phản ứng với những tiếng còi thiếu văn hóa.

Chị PHẠM THỊ VÂN ANH, nhân viên văn phòng:

Đường kẹt, sao cứ phải bấm còi inh ỏi?

Hằng ngày đi làm ra đường đã mệt mỏi vì kẹt xe, giữa cái thời tiết nắng nóng ở TP.HCM đi không thôi cũng đã mệt rồi, còn phải nghe tiếng còi xe bấm inh ỏi rất dễ gây ức chế. Nhất là đi qua các đoạn có bệnh viện, trường học mà kẹt xe là nghe thấy nhiều nhất, cho dù có bấm nữa, bấm mãi thì cũng không đi nhanh được. Có ai muốn đi chậm ngoài trời nắng nóng đâu. Người bấm còi bất chấp kiểu đó rất thiếu ý thức và vô văn hóa!

Thường xuyên tắc đường lại còn phải nghe tiếng còi xe bấm inh ỏi rất dễ gây ức chế.  Ảnh: HOÀNG GIANG

Anh HOÀNG VĂN ĐẠI, nhân viên kinh doanh:

Nhiều khi muốn dừng lại để xử

Tôi kinh doanh cây cảnh, thường xuyên phải chạy ngoài đường để đi giao cây cho khách. Nỗi ám ảnh của tôi mỗi ngày là tiếng còi. Đi đường Việt Nam gọi vui là “đi xe không thể không còi”. Dừng đèn đỏ, bấm còi. Muốn xin đường, bấm còi. Xin rẽ hoặc leo xe lên vỉa hè, bấm còi. Thậm chí có người đang đi trên đường bình thường mà cảm thấy có gì đó bất an trong lòng xíu cũng bấm còi cho được. Quả thực nhiều lúc tôi rất bức xúc, không ai cấm bấm còi nhưng dùng bừa bãi như thế gây ức chế cho người khác. Nhiều khi muốn dừng lại để xử cho bõ tức vì ý thức giao thông quá kém.

Anh NGUYỄN LƯƠNG ĐỨC, công chức:

Hãy bấm còi có ý thức

Để một xã hội văn minh cần có những người văn minh. Văn hóa khi tham gia giao thông của một con người phần nào phản ánh sự văn minh của người đó. Mặt khác, hiện nay dù đã có chế tài xử phạt cho những hành vi sử dụng còi xe không đúng quy định nhưng hầu như thực tế rất khó để xử lý. Do đó, để thể hiện mình là một người văn minh, lịch sự thì mỗi người khi tham gia giao thông cần có ý thức hơn, bấm còi đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm.

Anh TRƯƠNG MINH LUẬN, tài xế lái xe tải đường dài:

Không hiểu bấm còi để làm gì!

Đối với cánh tài xế lái xe đường dài, thường xuyên chạy trên quốc lộ thì còi xe là không thể thiếu vì dùng để cảnh báo những xe đi trước là chính. Tuy nhiên, nhiều năm làm nghề gặp cũng không ít trường hợp đồng nghiệp của mình bấm còi vô tội vạ, hứng là bấm, nhất là gặp những đoạn kẹt xe là thi nhau bấm còi inh ỏi và không hiểu người ta bấm để làm gì. Thực tế tôi cũng đã chứng kiến nhiều vụ việc nhiều người bị tiếng còi xe làm giật mình và dẫn đến tai nạn. Tôi không hài lòng và không ủng hộ đối với những hành vi như thế, nó rất thiếu ý thức và quá vô cảm đối với những người tham gia giao thông xung quanh.

Những tai nạn đau lòng từ tiếng còi xe

• Trưa 24-4-2019, trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn ấp Núi Tung (xã Suối Tre, thị xã Long Khánh, Đồng Nai) xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến một người chết và một người bị thương nặng. Nguyên nhân là do nam thanh niên chở mẹ đã giật mình vì tiếng còi ô tô nên tông vào cột biển báo giao thông. Theo thông tin ban đầu, vào thời gian nói trên, anh Đỗ Nguyễn Đông Thảo (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) điều khiển xe máy chở mẹ trên quốc lộ 1A, theo hướng Đồng Nai đi Bình Thuận. Khi đến địa chỉ trên, anh Thảo nghe tiếng còi xe từ phía sau nên hoảng hốt, điều khiển xe loạng choạng va vào trụ biển báo bên đường khiến anh Thảo và mẹ té xuống đường. Sau cú va chạm mạnh, người phụ nữ tử vong tại chỗ, còn anh Thảo bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu.

• Trước đó, một vụ tương tự cũng đã xảy ra tại TP.HCM. Vào giờ cao điểm tại nút giao thông Tân Vạn (đoạn giáp ranh giữa thị xã Dĩ An, Bình Dương và quận 9, TP.HCM) đã xảy ra vụ tai nạn giữa xe ben và xe máy khiến một người phụ nữ khoảng 40 tuổi tử vong. Nguyên nhân là do người này bị giật mình bởi tiếng còi hơi từ chiếc xe ben, sau đó loạng choạng tay lái rồi xảy ra va chạm. 

Mức phạt cho hành vi sử dụng còi xe không đúng quy định

Theo Nghị định 46/2016, phạt tiền 100.000-200.000 đồng đối với xe máy nếu bấm còi, rú ga liên tục trong đô thị, khu đông dân cư.

Đối với ô tô, phạt tiền 600.000-800.000 đồng nếu có hành vi bấm còi liên tục; bấm còi hơi trong đô thị, khu đông dân cư.

Bên cạnh đó, nghị định này còn quy định phạt tiền 80.000-100.000 đồng đối với trường hợp người điều khiển xe máy bấm còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau. Đối với ô tô, nếu bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau thì bị phạt 100.000-200.000 đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm