Rác - nỗi ám ảnh của người dân thành phố

TP.HCM vừa tổ chức lễ phát động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”. Cuộc vận động này nhằm chấm dứt tình trạng xả rác nơi công cộng trong nhiều năm qua, làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, tắc hệ thống thoát nước trên kênh rạch, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân và hình ảnh của TP.

Bên cạnh sự hưởng ứng cuộc vận động của TP, nhiều bạn đọc muốn góp ý để lực lượng chức năng có cách trị được nạn xả rác, một tệ nạn của TP hiện nay.

Cần tuyên truyền từ một vụ phạt cụ thể

Bây giờ đi đâu, sống ở đâu trong TP cũng bị ám ảnh với nạn xả rác khắp nơi. Để người xấu thay đổi hành vi, khi có một trường hợp cá nhân bị phạt vì hành vi này thì đơn vị xử phạt nên liên kết với báo chí để tuyên truyền mạnh cho “vụ xử” đó. Người dân sẽ không quan tâm công ty này, tập đoàn kia bị phạt nhưng chắc chắn họ sẽ giật mình nếu cá nhân bị phạt và bị lên báo.

Ở địa phương cũng có thể thông báo đến quần chúng bằng hình thức bản tin ở một mức độ nhất định, nhằm vừa không vi phạm nhân quyền (không đưa hình ảnh, tên tuổi cụ thể), vừa cho người khác biết có người sai và đã bị phạt như vậy để tự nhắc nhở nhau ý thức hơn. Những hình ảnh xấu xí được trưng ra, dù không nêu rõ đó là ai cũng sẽ khiến người ta ái ngại và không dám vi phạm vì sợ bị bắt gặp.

NGUYỄN TUẤN ANH (Quận 1)

Người dân vứt rác bừa bãi trên đường Hùng Vương, quận 10 (ảnh lớn) và một người đàn ông có hành vi tiểu bậy bên đường (ảnh nhỏ). Ảnh: Đào Trang

Đừng để những bảng hiệu vô nghĩa

Người dân biết xả rác là bị phạt nên hay xả lén. Nhưng tôi tin là ít người biết đến mức phạt cho từng hành vi ra sao nên người ta không sợ, trong khi đó mức phạt cho hành vi xả rác đã được nâng lên rất nhiều lần từ hai năm nay. Chúng ta sử dụng rất nhiều băng rôn, biểu ngữ tuyên truyền nhưng gần như những nội dung trên đó không đủ “gãi ngứa” đối với đám đông.

Cần xóa bỏ các bảng hiệu tuyên truyền “sống văn minh là không xả rác”, “nói không với rác thải” đi và thay vào đó là “quăng một bịch rác, phạt 7 triệu đồng”, “tấp rác vào cống, phạt 7 triệu đồng”, “tuyến đường gắn camera phòng đổ rác trộm”… vừa tuyên truyền pháp luật khiến ai cũng phải thuộc nằm lòng, vừa khiến người dân sợ bị phạt mà không dám làm bậy.

UYÊN MINH (Quận 5)

Phải phạt thực sự

Lỗi vứt rác bừa bãi, xả rác nơi công cộng chung quy là do chế tài chưa đủ tác động làm thay đổi ý thức. Chế tài phải là những hình thức phạt gây tác động trực tiếp và lâu dài tới ý thức của người vi phạm, để lần sau họ chùn tay trước khi làm bậy.

Ở nước ngoài, những hình thức phạt khiến người ta sợ nhất không phải là phạt tiền mà là phạt roi, lao động công ích. Ai mà chẳng sợ phải đi dọn rác cho cả một khu phố, đi chùi nhà vệ sinh công cộng của công viên hay phải đứng ở ngã tư đeo bảng “cấm xả rác bậy nơi công cộng”… Chỉ cần một người bị phạt như vậy thì chắc chắn cả gia đình, người quen, bạn bè của người đó sẽ tỉnh và tởn ngay.

Nếu cứ kêu khó là không làm thì sẽ mãi mãi không thay đổi được gì. Khi chưa thể phạt đủ thì hãy phạt một lần cho đáng phạt. 100 người xả, chỉ cần phạt được 10 người là đã đủ răn đe bởi tính truyền miệng của dân ta rất mạnh.

LÊ LONG BÌNH (Hậu Giang, quận 6)

Giám sát và khen thưởng người tố giác

TP.HCM từng muốn áp dụng gắn camera theo dõi để phạt nguội đổ rác bừa bãi, tôi nghĩ đây là việc cần thiết, nên triển khai sớm, đặc biệt ở những điểm đen như dọc kênh Nhiêu Lộc. Ngoài ra, tuyên truyền trong dân chúng việc tích cực tố giác hành vi vi phạm. Hiện nay nhiều nơi đã áp dụng việc có thưởng cho người chụp ảnh, tố giác người đổ rác, tiểu tiện nơi công cộng như một vài phường ở quận Bình Tân, quận Tân Phú… Không cần nhiều, chỉ cần vài chục ngàn đồng thôi là được. Ai cũng muốn khu phố mình sạch đẹp, an toàn, có tiền thưởng nữa thì họ sẽ tích cực tham gia.

THANH TUẤN (Quận Bình Thạnh)

_________________________

Số tới: Các địa phương đã “xử” người xả rác ra sao?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm