Rắc rối từ dấu vân tay

TAND huyện Long Hồ (Vĩnh Long) vừa tuyên phạt Nguyễn Văn Quyên chín năm tù về tội trộm cắp tài sản. Ngay sau phiên xử, Quyên đã kháng cáo kêu oan.

Dùng xe tải đi trộm

Theo hồ sơ, chiều 8-3-2013, Quyên cùng Thành và Ân (chưa rõ lai lịch) đi trên một chiếc ô tô tải từ Bến xe Long Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai) đến huyện Long Hồ (Vĩnh Long) để lấy trộm tài sản bán. Phi vụ này do Thành rủ.

Chiều cùng ngày, cả ba đến Long Hồ. Thành kêu Quyên cùng đi bộ vào chợ mua hai thang bằng gỗ tre. Còn Ân lái xe đến chờ gần một kho vật tư nông nghiệp ở ấp An Phú A (xã Long An). Đến tối, Ân ở ngoài xe chờ, còn Thành và Quyên dựng thang vào vách tường phía sau nhà kho, trèo lên mái nhà, dùng kéo cắt tôn mái nhà xong rồi lấy chiếc thang còn lại dựng vào vách tường bên trong nhà kho leo xuống. Vào trong kho, Thành dùng dây dù cột vào các thùng thuốc bảo vệ thực vật chuyền ra bên ngoài kho cho Quyên. Quyên mở thùng lấy thuốc bỏ vào bao nylon rồi cùng Ân đem ra để lên xe tải.

Sau đó nhóm này đem số thuốc trộm được qua TP Cần Thơ bán cho một thanh niên không rõ lai lịch để lấy 10,5 triệu đồng (Quyên được chia 2,5 triệu đồng).

Sáng hôm sau, phát hiện thuốc bảo vệ thực vật bị mất, chủ kho trình báo công an. Khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra xác định được dấu vân tay của Quyên để lại trên các thùng đựng thuốc. Theo kết quả định giá, số tài sản bị mất có tổng giá trị gần 210 triệu đồng. Từ đó cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam Quyên.

Dấu vân tay có lúc nào?

Trong quá trình điều tra, Quyên nhận tội. Tuy nhiên, tại phiên xử vừa qua của TAND huyện Long Hồ, Quyên kêu oan, nói bị ép cung và có chứng cứ ngoại phạm.

Lý giải về dấu vân tay mà cơ quan điều tra thu được tại hiện trường vụ trộm, Quyên nói có thể trong quá trình Quyên làm việc tại nhà máy sản xuất một trong các loại thuốc thực vật bị mất cắp tại Biên Hòa trước đây do Quyên không mang bao tay nên để lại dấu vân tay trên các thùng thuốc.

Theo Quyên, các lời khai trước đây tại cơ quan điều tra là do công an ép, đánh bị cáo, nói muốn gặp gia đình thì phải nhận tội. Ngày xảy ra sự việc mà cáo trạng quy kết, sau khi nghỉ việc, bị cáo đi TP.HCM gửi đồ rồi về nhà ở cùng vợ con tại Biên Hòa. Đến tối thì chị của bị cáo về đến nhà, hai chị em có ngồi nói chuyện. Bị cáo cũng nhớ rõ là chiều đó ghé uống nước tại một quán ở quận 5 (TP.HCM) và chủ quán có thể làm chứng cho bị cáo...

Luật sư của bị cáo đề nghị tòa tuyên Quyên không phạm tội với các lập luận: Người bán thang không nhận dạng được Quyên. Cáo trạng nêu bị cáo rời Biên Hòa lúc 13 giờ 30, đến Long Hồ lúc 16 giờ 30 là không có cơ sở vì bị cáo làm việc tại nhà máy đến 14 giờ có bản chấm công và với thời gian trên thì không thể kịp đến Long Hồ được...

Theo tòa, trong các bản khai của bị cáo ở giai đoạn điều tra có bản có luật sư chứng kiến nên việc bị cáo khai bị đánh đập, ép cung mới nhận tội là không có cơ sở. Những người bị cáo viện dẫn ra (người bán nước quen, vợ và chị, người làm chung) để chứng minh mình có chứng cứ ngoại phạm thì khai không rõ ràng, mâu thuẫn, không đảm bảo sự khách quan. Đặc biệt, bị cáo khai làm việc tại nhà máy nhưng chỉ làm ở khâu vận hành, sửa chữa máy nên các lô thuốc bị mất không thể mang dấu vân tay của bị cáo trong quá trình lao động... Từ đó, tòa đồng tình với truy tố của VKS và phạt Quyên như đã nói.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có kết quả xét xử phúc thẩm.

HOÀNG YẾN

Dấu vân tay tồn tại bao nhiêu ngày?

Trong vụ án, có chi tiết mà luật sư của bị cáo không đồng tình với cơ quan điều tra: Theo biên bản trao đổi của điều tra viên với cán bộ kỹ thuật hình sự thì dấu vân tay sẽ tồn tại trong khoảng bốn ngày, sang ngày thứ năm sẽ không thể thu thập được. Nếu Quyên để lại dấu vân tay khi làm việc tại nhà máy thì đến khi hàng xuất ra ngoài, xuống tới kho thuốc bị trộm sẽ qua một quãng thời gian rất lâu và dấu vân tay đã không còn nữa. Như vậy, chỉ khi Quyên mới trộm tối qua thì mới để lại dấu vết rõ ràng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm