Tại buổi đối thoại, các diễn giả đều cho rằng, hiện nay, rác thải nhựa đang là một vấn đề lớn. Theo báo cáo của LHQ, mỗi năm lượng rác thải nhựa thải ra đủ để bao quanh Trái Đất bốn lần.
Các diễn giả trao đổi tại buổi đối thoại. Ảnh V.Thịnh
Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Rất nhiều rác thải nhựa nằm lại dưới đáy đại dương và trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng của cá.
Bà Stacey Nation, Tham tán Chính trị Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, không một quốc gia nào có thể đơn phương giải quyết vấn đề rác thải nhựa nếu không có sự hợp tác. Trên toàn cầu, nguồn rác thải nhựa hiện nay chủ yếu xuất phát từ những quốc gia đang phát triển.
Những quốc gia này có nhu cầu lớn về tiêu thụ các sản phẩm từ nhựa, nhưng năng lực xử lý các chất thải đó chưa được phát triển tương xứng.
Bà Stacey Nation hy vọng buổi đối thoại sẽ đem lại cái nhìn đa chiều về vấn đề rác thải nhựa, đề xuất các sáng kiến giúp nâng cao hiệu quả quản lý rác thải nhựa cũng như hợp tác khu vực nhằm giải quyết tình trạng này.
Chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia trong việc xử lý vấn nạn rác thải nhựa, TS. Nguyễn Lê Tuấn cho biết hiện Việt Nam có hai luật liên quan tới chất thải nhựa ở đại dương bao gồm Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Từ năm 2008, Việt Nam đã xây dựng khung chính sách xử lý vấn đề chất thải nhựa ở đại dương.
Bảo vệ môi trường biển, phục hồi hệ sinh thái biển cũng được xác định là một trong những mục tiêu, chủ trương lớn trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Hiện Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương.
Tại đối thoại, các đại biểu cũng nhất trí cho rằng vấn đề rác thải nhựa hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Tất cả các quốc gia trong khu vực cần phối hợp chia sẻ thông tin về vấn đề rác thải nhựa hiện nay. Đồng thời lập kế hoạch hành động tương thích với nguồn lực tài chính của mỗi quốc gia, có các biện pháp nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này...