Rạch Xuyên Tâm: Năm 2024 dân sẽ hết khổ?

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (dài 6,1 km, đi qua địa bàn hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp) suốt 16 năm qua vẫn giậm chân tại chỗ. Và cũng ngần ấy thời gian, hàng chục ngàn người dân sống cạnh rạch Xuyên Tâm phải lao đao, khốn khổ vì sống trong cảnh ô nhiễm, muỗi mòng, nhà cửa xập xệ…

Dân chịu hết xiết rồi

Anh Trương Văn Phương, sống bên bờ rạch Xuyên Tâm đoạn Bình Thạnh hơn 20 năm, tâm tư: “Mùi hôi bốc lên từ con kênh rất khó chịu, nước lớn còn đỡ khổ, chứ đến khi nước cạn, trời nắng, mùi hôi bốc lên kinh khủng. Chuột bọ bò bất kể ngày đêm, có khi tôi ngủ còn bị chuột bò ngay trên đầu. Nhà cửa xập xệ mà có được xây mới đâu, do vướng dự án nên chính quyền chỉ cho sửa chữa nhỏ theo hiện trạng. Chỉ khi con kênh này được cải tạo thì người dân nơi đây mới được đổi đời”.

Ông Nguyễn Thành Hùng (51/7 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh) bày tỏ: “Tôi sống nơi đây khá lâu và mòn mỏi mong dự án thực hiện từng ngày. Không hiểu sao dự án cứ treo mãi, chính quyền cần có giải pháp tháo gỡ để triển khai sớm việc chỉnh trang con kênh để người dân bớt khổ. Chứ dân ở đây chịu hết xiết rồi”.

Điều đáng buồn là khá nhiều người dân nơi đây từ chối trả lời PV Pháp Luật TP.HCM khi được hỏi về dự án. Khi được hỏi lý do, chị NTL nói thẳng: “Tụi tôi mất niềm tin rồi. Suốt 16 năm qua, đã quá nhiều lần PV các báo, đài xuống ghi nhận và phản ánh nhưng rồi đâu cũng vào đấy”.

Còn bà NTO ngao ngán: “Cá nhân tôi được các nhà báo quay phim, chụp ảnh khá nhiều. Nhiều lần tôi đã trả lời về nỗi khổ và nguyện vọng của người dân nơi đây nhưng rồi cũng chẳng giải quyết được gì. Tôi sống nơi đây đã hơn 50 năm, đã rất khốn khổ vì mùi hôi, vì rác nhưng cũng phải cố gắng chịu đựng vì chẳng biết đi đâu mà sống. Giờ chỉ mong chính quyền sớm thực hiện dự án để chấm dứt ô nhiễm. Khi đó tụi tôi sẽ có chỗ tái định cư hoặc được nhận tiền bồi thường đi nơi khác sinh sống”.

Ông Nguyễn Huy Nghị, Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận Bình Thạnh, cho biết có khoảng 2.000 hộ trên địa bàn quận Bình Thạnh bị ảnh hưởng bởi dự án. Trong đó, hơn 1.100 hộ phải giải tỏa hoàn toàn. Dự án chậm thực hiện do gặp khó khăn rất lớn trong vấn đề giải phóng mặt bằng. Hiện lãnh đạo TP.HCM và các sở, ban, ngành đang tìm giải pháp tháo gỡ.

“Để cải thiện ô nhiễm, thời gian qua UBND phường 15 đã thực hiện nhiều chương trình nâng cao nhận thức người dân bảo vệ môi trường. Chủ yếu là vận động người dân thay đổi thói quen vứt rác xuống rạch, không xây dựng lấn chiếm rạch gây cản trở dòng chảy, đổ rác sinh hoạt đúng theo quy định” - ông Nghị cho biết.

Được biết UBND phường 15 đã trao tặng hơn 600 thùng rác cho các hộ dân ở đây, giải tỏa nhà vệ sinh có ống thải trực tiếp ra kênh rạch và ngăn chặn kịp thời bốn trường hợp xây dựng lấn chiếm kênh. Phường cũng liên tục đẩy mạnh tuyên truyền, kết hợp vận động người dân địa phương cùng chính quyền tự thu gom rác tại nơi mình sinh sống để hạn chế gia tăng rác thải.

Người dân rạch Xuyên Tâm đã quen sống chung với con rạch tràn ngập rác. Ảnh: HẢI LONG

Vì sao dự án treo quá lâu?

Năm 2002, UBND TP.HCM phê duyệt dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, thực hiện bằng ngân sách nhà nước với kinh phí dự kiến khoảng 123 tỉ đồng. Tuy nhiên, do ranh quy hoạch của dự án khá lớn, phát sinh chi phí bồi thường cao, TP không đủ ngân sách để thực hiện nên dự án bị treo.

Xác định đây là một trong những dự án trọng điểm trong chương trình cải tạo, chỉnh trang kênh rạch, năm 2010 TP tái khởi động dự án bằng hình thức kêu gọi xã hội hóa. Cũng trong thời điểm này, Công ty Cổ phần Hà Nội Ngàn Năm đã xin được nghiên cứu dự án. Tới tháng 3-2016, UBND TP có quyết định phê duyệt đề xuất dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm.

Theo đề xuất này, dự án sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT). Quy mô dự án gồm tuyến chính dài 6,21 km (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) và ba tuyến nhánh dài gần 2 km (gồm nhánh cầu Sơn, Bình Triệu, Bình Lợi). Về phương án bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), Công ty Hà Nội Ngàn Năm sẽ tự tổ chức xây dựng nhà tái định cư tại chỗ. Đổi lại TP thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất dọc hai bên tuyến thực hiện dự án để bố trí tái định cư và thực hiện dự án khác. Công ty Hà Nội Ngàn Năm đề xuất tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.100 tỉ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng gần 1.100 tỉ đồng.

Tháng 8-2016, trong cuộc làm việc với UBND quận Bình Thạnh, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM đánh giá rạch Xuyên Tâm là dự án cấp bách, cần triển khai thực hiện sớm. Tại thời điểm đó, lãnh đạo Thành ủy đã chấp thuận thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (thanh toán bằng hợp đồng BT). Quận Bình Thạnh được giao thực hiện công tác BTGPMB.

Từ 123 tỉ thành hơn 8.600 tỉ

Sau khi TP phê duyệt đề xuất dự án của Công ty Hà Nội Ngàn Năm, ngày 21-3-2016, Sở GTVT và doanh nghiệp này đã có biên bản thỏa thuận việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm theo quy mô nêu trên. Theo đó, trong sáu tháng, Công ty Hà Nội Ngàn Năm phải hoàn thành việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Sau đó, Công ty Hà Nội Ngàn Năm đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi với quy mô có thay đổi so với đề xuất dự án ban đầu. Trong báo cáo này, hai vướng mắc mà Công ty Hà Nội Ngàn Năm gặp phải là giải pháp thiết kế và việc chồng lấn ranh dự án. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tháng 8-2017, Sở GTVT đã báo cáo UBND TP và tiến hành lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, đơn vị có liên quan. “Tuy nhiên, trong quá trình tham gia góp ý phương án thiết kế của dự án, quận Bình Thạnh chưa thống nhất về ranh thực hiện dự án. Quận đề nghị Sở GTVT chủ trì làm việc với quận, các sở, ngành để thống nhất lại ranh” - báo cáo của Sở GTVT nêu.

Sẽ triển khai trong năm 2019

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến tại cuộc họp với các sở, ngành liên quan, Hội đồng thẩm định bồi thường TP, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập cùng UBND hai quận Bình Thạnh, Gò Vấp.

Theo đó, TP thống nhất chủ trương thực hiện dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm theo hình thức hợp đồng BT, thanh toán hợp đồng BT bằng khai thác quỹ đất hiện hữu tại chỗ, dọc hai bên tuyến kênh ven rạch Xuyên Tâm. Đối với phần chênh lệch thiếu có thể thanh toán bằng tiền từ đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

UBND quận Bình Thạnh được yêu cầu nghiên cứu kỹ việc tách việc thực hiện BTGPMB bằng ngân sách TP khỏi dự án xây lắp và bán đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất dọc hai bên tuyến để thanh toán hợp đồng BT.

Ông Tuyến cũng chỉ đạo Sở QH-KT có trách nhiệm hướng dẫn đơn vị lập đề xuất dự án, trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch 1/2.000, thời gian thực hiện dứt điểm trong tháng 12. Đồng thời yêu cầu Sở KH&ĐT khẩn trương hướng dẫn đơn vị lập đề xuất dự án triển khai thêm một phương án (ngoài phương án cũ đang chuẩn bị) khi tách việc BTGPMB ra khỏi dự án xây lắp.

Cụ thể, theo UBND quận Bình Thạnh, ranh dự án theo đề xuất của Công ty Hà Nội Ngàn Năm không trùng với ranh dự án được xác định theo đồ án quy hoạch 1/2.000 của quận và đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2017. Thêm vào đó, nếu theo đề xuất của công ty này thì sẽ phát sinh nhiều khó khăn trong vấn đề BTGPMB khi ranh dự án được mở rộng.

Do có vướng mắc nêu trên, Sở GTVT đã phải có nhiều cuộc làm việc với quận Bình Thạnh, Công ty Hà Nội Ngàn Năm, các đơn vị có liên quan và mới đây mới tháo gỡ được. Đến thời điểm này, Công ty Hà Nội Ngàn Năm đã hoàn chỉnh phương án đề xuất điều chỉnh, trình Sở GTVT tổng hợp, tham mưu, đề xuất TP về quy mô đầu tư, phương án thiết kế, trình TP thẩm định, phê duyệt.

Theo phương án mới, nhà đầu tư sẽ cải tạo kênh thoát nước, xây dựng cống hộp đoạn cầu Sơn (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) đến ngã ba các rạch Long Vân, cầu Sơn, Lăng và cống hộp bê tông cốt thép từ cầu Sơn đến đường D5. Đồng thời xây dựng cống hộp bê tông cốt thép đoạn kết nối với đường Phạm Văn Đồng. Kèm theo đó, bổ sung máy bơm công suất 60.000 m3/giờ tại cửa Bình Triệu.

Cùng với đó là việc xây dựng đường giao thông bốn làn xe, có bề rộng lòng đường 8 m mỗi bên và vỉa hè 3-4 m. Theo Công ty Hà Nội Ngàn Năm, để hạn chế khối lượng giải tỏa thì ranh BTGPMB sẽ bám theo đồ án quy hoạch 1/2.000.

Với những điều chỉnh như trên thì tổng diện tích sử dụng đất hơn 61 ha. Trong đó, riêng đất xây dựng công trình cải tạo rạch gồm thoát nước và giao thông gần 30 ha, đất phát triển đô thị và công viên cây xanh gần 30 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 8.600 tỉ đồng, tăng trên 3.500 tỉ đồng so với đề xuất năm 2016. Trong đó, tiền BTGPMB gần 3.100 tỉ đồng (tăng gần 2.000 tỉ đồng). Tiền xây lắp là hơn 3.700 tỉ đồng (tăng hơn 680 tỉ đồng).

Trong phương án mới, Công ty Hà Nội Ngàn Năm đề xuất phân đoạn để tiến hành xây dựng công trình cho phù hợp với khả năng huy động vốn, tổ chức thi công, đảm bảo giao thông, vệ sinh môi trường. Theo đó, các tuyến chính sẽ hoàn thành từ năm 2019 đến 2023. Các tuyến nhánh sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2019-2024.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho hay hiện phương án điều chỉnh của Công ty Hà Nội Ngàn Năm vẫn còn một số nội dung chưa thống nhất giữa quận Bình Thạnh và doanh nghiệp. Sở GTVT sẽ tiếp tục làm việc với các bên để tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Rạch Xuyên Tâm: Năm 2024 dân sẽ hết khổ? ảnh 3

Đã báo cáo Thường trực Thành ủy TP.HCM

UBND TP đã có báo cáo với Thường trực Thành ủy về dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm và sẽ tập trung thực hiện trong năm 2019.

Tuy nhiên, việc dừng tất cả dự án đang thực hiện theo hợp đồng BT sẽ là một khó khăn rất lớn cho TP.HCM khi triển khai dự án này.

Ông NGUYỄN THÀNH PHONGChủ tịch UBND TP.HCM

TP.HCM sẽ ứng ngân sách để bồi thường

Rạch Xuyên Tâm: Năm 2024 dân sẽ hết khổ? ảnh 4

Cải tạo rạch Xuyên Tâm là dự án trọng điểm của TP, không chỉ để cải thiện môi trường mà còn có thể phát triển du lịch, cảnh quan đô thị của TP cho nên TP quyết tâm phải làm. Để dự án sớm được triển khai, TP sẽ tách thành hai gói để thực hiện là gói bồi thường và xây lắp. Theo đó, TP sẽ ứng ngân sách ra bồi thường dự án trước, sau đó sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện theo hợp đồng BT.

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được phê duyệt từ năm 2002 nhưng đến nay chưa thực hiện được, một phần vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng, một phần do chủ trương của Chính phủ đang ngưng thực hiện các dự án BT. Người dân thì chờ bồi thường trong khi TP chờ cơ chế, nay nếu tách ra thực hiện trước từng phần sẽ đẩy nhanh được tiến độ thực hiện.

Ông TRẦN VĨNH TUYẾN, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

TP.HCM quyết tâm thực hiện dự án

Báo cáo giải trình tại kỳ họp HĐND tháng 12-2018, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhìn nhận rạch Xuyên Tâm là dự án chậm triển khai nhiều năm nay, tuy nhiên không thể hủy bỏ. Theo ông Tuyến, TP hiện có một số dự án chậm triển khai nhưng không thể hủy bỏ như rạch Xuyên Tâm, Bình Quới - Thanh Đa, Safari, đường Vành đai 3,... Bởi nếu bỏ các dự án này thì sẽ ảnh hưởng đến định hướng phát triển kinh tế-xã hội của TP nhưng nếu để kéo dài, không thực hiện thì sẽ làm khổ người dân.

“Đối với các dự án này, TP sẽ thay đổi cách làm là tách ra thành dự án BTGPMB riêng và có biện pháp triển khai ngay để đảm bảo thu hồi đất đúng mục tiêu được duyệt và như đã công bố với dân” - ông Tuyến nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm