Xóa 'ma trận' giấy phép con cản đường doanh nghiệp - Bài cuối

Rất cần 1 cơ quan cải cách thể chế

(PLO)- Đang có những dự thảo nghị định sửa đổi theo hướng duy trì, thậm chí siết chặt hơn các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Pháp Luật TP.HCM vừa đăng tải loạt bài về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN) khi phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Liên quan đến chủ đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Còn rất nhiều vướng mắc từ quy định

. Phóng viên: Thưa ông, trong thời gian qua, ngoài những khó khăn khách quan từ bên ngoài, VCCI qua thu thập ý kiến, kiến nghị, phản ánh của DN thì các khó khăn do pháp luật hay các ĐKKD hiện nay là gì?

+ Ông Đậu Anh Tuấn: Các vướng mắc mà DN gặp phải từ quy định pháp luật trong kinh doanh thì nhiều, đa dạng và phong phú lắm. Đó có thể là sự xung đột của quy trình thủ tục, sự chưa rõ ràng của nhiều quy định khi DN xây dựng nhà máy, hoàn tất thủ tục ban đầu khiến họ bị chậm trễ trong việc đưa cơ sở của mình vào hoạt động.

Các khó khăn về chi phí tuân thủ các quy định pháp luật quá cao, quá bất hợp lý. Thậm chí, sự thay đổi đột ngột của một quy định có khi khiến DN đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản; một quy định tiêu chuẩn được ban hành khiến các DN ngành hàng đình đốn kinh doanh…

Khái quát lại, tôi cho rằng có hai nhóm khó khăn: Nhóm khó khăn thứ nhất đến từ bản thân chất lượng của quy định pháp luật và nhóm khó khăn thứ hai đến từ việc thực thi các quy định pháp luật.

w-P11-ong-dau-anh-tuan.jpg
Ông Đậu Anh Tuấn.

. Các khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh mà ông vừa liệt kê ở trên thì khó khăn, vướng mắc nào, trong lĩnh vực nào là tiêu biểu nhất, dai dẳng nhất, thưa ông?

+ Cái khó nhất và vướng mắc nhất thời gian vừa qua là các nhóm thủ tục, ĐKKD ban đầu về đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường, PCCC… Chúng ta có thể thấy điều này từ rất nhiều dự án đang đình đốn, ách tắc trên thực tế ở các địa phương. Nó cũng tương đối phổ biến với tất cả công ty từ tư nhân đến đầu tư nước ngoài (FDI), hay cả các dự án đầu tư công.

Chẳng hạn, thủ tục thẩm duyệt về PCCC lồng ghép được với nhóm thủ tục xây dựng thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí cho nhà đầu tư nhưng vẫn chưa thực hiện được. Những năm trước, Chính phủ từng dự thảo luật rồi nghị định về một quy trình đầu tư thống nhất nhưng cũng không ban hành được.

Các khảo sát DN mà chúng tôi thực hiện trong thời gian qua cho thấy số lượng DN thực hiện các thủ tục này gặp khó khăn rất cao, tỉ lệ còn cao hơn cả tỉ lệ gặp khó khăn về tiếp cận vốn hay khách hàng. Khó khăn, vướng mắc dai dẳng vì đã được phản ánh nhiều năm, Quốc hội và Chính phủ đã bàn nhiều nhưng nó vẫn tồn tại.

Hiện tại, Quốc hội đang thảo luận và chuẩn bị thông qua ba luật chính là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở. Hy vọng đây có thể là cơ hội vàng để tháo gỡ các vướng mắc trong thời gian qua với các dự án đầu tư bất động sản và nhà ở.

Cần phải làm thường xuyên, liên tục

. Chúng ta đã có mấy nhiệm kỳ gần đây tập trung vào việc cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD thông qua Luật DN, Luật Đầu tư, rồi các quy định như không được đưa ĐKKD vào thông tư… nhưng vì sao đến nay các rào cản kinh doanh vẫn tồn tại nhiều đến thế, thưa ông?

+ Việt Nam đã đi được một bước khá dài trong quá trình cải cách ĐKKD. Ví dụ, nếu trước đây ĐKKD quy định rải rác tại hàng ngàn thông tư cấp bộ thì hiện nay cơ bản chỉ được quy định tại cấp nghị định trở lên, khoảng hơn 50 nghị định. Đặc biệt có rất nhiều ĐKKD, nhất là ràng buộc về quy mô, buộc phải sở hữu máy móc, thiết bị đã được bãi bỏ, tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ tham gia thị trường trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh gạo, kinh doanh gas, xăng dầu…

Nhưng những thành quả cải cách về ĐKKD có nguy cơ bị đe dọa. Hiện nay đã có những dự thảo nghị định sửa đổi theo hướng duy trì, thậm chí siết chặt hơn các ĐKKD đã được bãi bỏ trong thời gian qua. Trong các văn bản ban hành mới hay được sửa đổi vẫn có những quy định kinh doanh tạo ra vướng mắc.

Chính vì thế, việc rà soát, kiểm soát các ĐKKD, quy định về kinh doanh cần phải là việc làm thường xuyên, liên tục của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

w-P11-kinh-doanh 5.jpg
Điều kiện kinh doanh thông thoáng sẽ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư kinh doanh, buôn bán, kích cầu mua sắm… Ảnh: TÚ UYÊN

. Các cơ quan chấp pháp nhiều khi cũng nhận ra vấn đề nhưng họ phản hồi rằng các quy định ấy phải điều chỉnh từ luật. Luật quy định thế nào thì họ thực hiện như thế. Vậy lập pháp của ta phải chăng cũng cần thay đổi?

+ Đúng là có một số quy định pháp luật bắt nguồn từ luật và phải sửa từ luật. Chính vì thế, Quốc hội luôn ưu tiên việc rà soát và giảm thiểu sự chồng chéo giữa các luật, giám sát thúc đẩy việc thực hiện pháp luật. Nhưng lưu ý là luật cũng chủ yếu do Chính phủ trình; các bộ, ngành thường là đơn vị chủ trì soạn thảo.

Vì vậy, cách tốt nhất để giảm sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật là phải tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng pháp luật. Trong đó, tiếp tục công khai, minh bạch trong quá trình soạn thảo, tăng cường tham vấn và tham vấn thực chất đối tượng chịu sự điều chỉnh, phát huy vai trò của các thiết chế liên quan như hiệp hội, viện nghiên cứu.

Để đảm bảo tính khách quan, chống xung đột thì theo tôi, trong các bộ, ngành chủ trì soạn thảo luật không giao cho các cục, vụ đang phụ trách việc cấp phép, quản lý nhà nước phụ trách việc soạn thảo luật như phổ biến hiện nay mà nên giao cho đầu mối là Vụ Pháp chế hoặc viện thuộc bộ.

Điều này rất quan trọng để tránh xung đột lợi ích và thúc đẩy được các cải cách. Bởi thực tế thường rất hiếm vụ, cục nào đề xuất giải pháp trong luật theo hướng bớt quyền hạn của mình đi, tăng thêm trách nhiệm, nghĩa vụ cho chính mình, dù những điều này rất tích cực cho DN, cho nền kinh tế và cho lợi ích chung.

. Xin cảm ơn ông.

Ở các nước, doanh nghiệp không phải chạy nhiều cửa

. Quan sát, tôi thấy dường như DN ở các nước không gặp phải các vấn đề về ĐKKD như ở Việt Nam. Điều gì khiến cho có sự khác biệt như vậy? Phải chăng vấn đề còn nằm ở chỗ thực thi, triển khai pháp luật kinh doanh?

+ Ở nhiều nước, đúng là DN không ngại về nhiều ĐKKD vì nó rất công khai, minh bạch. Theo đó, người dân có thể thực hiện rất nhanh, dự đoán được trước, không e ngại rơi vào tình trạng không biết mình thực hiện đúng hay không đúng, vụ việc của mình được cấp phép hay không cấp phép.

Ở các nước, tương tác giữa DN và chính quyền thường diễn ra trên mạng. Với DN, nhà nước là thống nhất, không phổ biến tình trạng DN phải chạy nhiều cửa để xin thủ tục ở nhiều cơ quan khác nhau hay tình trạng cùng một dự án được cấp phép ở tỉnh này nhưng lại không được cấp phép ở tỉnh khác… như ở nước ta.

Chính vì thế, Chính phủ thời gian qua đã có những chỉ đạo quyết liệt để chuyển đổi thủ tục hành chính lên môi trường mạng. Chúng ta đã có cổng dịch vụ công quốc gia cho DN và người dân, với công ty xuất nhập khẩu thì có cổng thông tin một cửa quốc gia. Khi tương tác về thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép được tiến hành trên nền tảng trực tuyến hoàn toàn thì sự nhũng nhiễu, phiền hà sẽ giảm.

Phải đánh giá được chi phí lợi ích của các quy định

Hiện nay, theo quan sát của tôi, chúng ta chưa có cơ quan hay một cơ chế nào để phân tích được một cách khách quan và toàn diện nhất về chi phí lợi ích của các quy định đối với toàn bộ nền kinh tế. Thường các bộ, ngành chỉ đuổi theo và nhìn thấy các lợi ích của ngành mình. Có khi quy định mang lại lợi ích nhỏ cho quản lý một ngành nhưng lại gây tổn hại rất lớn tới lợi ích chung.

Chính vì vậy, nên hình thành một thiết chế trung gian để có một góc nhìn khách quan và toàn diện nhất về lợi ích quốc gia. Thiết chế này có thể tiến hành đánh giá được chi phí lợi ích của quy định dự kiến ban hành khi cần thiết, kiểm soát về chất lượng các quy định được ban hành mới. Ở một số quốc gia, thiết chế này có thể gọi là ủy ban hay cơ quan cải cách thể chế.

Ông ĐẬU ANH TUẤN, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm