Báo cáo độc quyền của hãng Reuters ngày 13-1 dẫn các nguồn thạo tin và dữ liệu theo dõi tàu thuyền cho biết ít nhất 4 siêu tàu chở dầu (VLCC) thuộc sở hữu của Bắc Kinh đang vận chuyển dầu thô Ural của Nga đến Trung Quốc (TQ).
Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, TQ và Ấn Độ - 2 nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới vẫn duy trì việc mua dầu từ Nga.
Báo cáo độc quyền của Reuters cho biết nhiều siêu tàu chở dầu Trung Quốc đang vận chuyển dầu thô Ural của Nga đến thị trường châu Á. Ảnh: HUNTER GROUP |
Các nguồn tin cho biết siêu tàu chở dầu thứ 5 đang vận chuyển dầu thô đến Ấn Độ. Tất cả 5 chuyến hàng đã được lên kế hoạch từ ngày 22-12 đến ngày 23-1, theo các nguồn tin và dữ liệu từ hệ thống theo dõi tàu thuyền Eikon.
Theo Reuters, việc sử dụng tàu TQ để chở dầu là một trong những giải pháp của Moscow nhằm né lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tháng 12-2022, Mỹ và Liên minh châu Âu đã đánh vào hệ thống bảo hiểm hàng hải để hạn chế khả năng vận chuyển năng lượng của tàu Nga. Trong khi đó, Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7) trong tháng 12-2022 cũng áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu Nga.
Giám đốc điều hành của một công ty TQ tham gia các "phi vụ" này cho biết: “Giá dầu Urals thấp hơn nhiều so với giá trần, nên về cơ bản, hoạt động mua bán Ural là hợp pháp".
Giám đốc điều hành nói trên ước tính tổng cộng 18 siêu tàu chở dầu của TQ và 16 tàu Aframax khác có thể được sử dụng để vận chuyển dầu thô của Nga vào năm 2023. Số tàu này đủ để vận chuyển 15 triệu tấn mỗi năm hoặc khoảng 10% tổng xuất khẩu dầu Urals.
Bộ năng lượng và vận tải Nga từ chối bình luận về thông tin. Bộ Ngoại giao TQ không phản hồi yêu cầu bình luận, mặc dù Bắc Kinh trước đó đã gọi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga là bất hợp pháp.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Singh Puri cho biết trong một cuộc họp báo hôm 12-1 rằng Ấn Độ sẽ "mua dầu từ bất cứ nơi nào họ có thể đảm bảo mức giá rẻ nhất".
Khi Mỹ và các đồng minh cố gắng siết chặt nguồn thu từ năng lượng của Moscow để cắt nguồn cung cho cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu dầu mỏ sang châu Á.
Việc phải vận chuyển dầu ở quãng đường xa hơn, chấp thuận yêu cầu giảm giá và mức chiết khấu cao, cũng như giá cước vận tải cao kỷ lục đã khiến lợi nhuận của Nga bị ảnh hưởng. Chính vì thế, việc sử dụng tàu chở dầu siêu lớn trên các tuyến châu Á được cho là một giải pháp hữu hiệu giúp Moscow cắt giảm chi phí vận chuyển.