Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm xuất khẩu dầu dự trữ sang Trung Quốc

(PLO)- Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm xuất khẩu dầu từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược sang Trung Quốc với tỉ lệ áp đảo 331-97.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-1, với 331 phiếu thuận và 97 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm xuất khẩu dầu từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) sang Trung Quốc (TQ), theo hãng tin Reuters.

Cụ thể, từ năm 2022, đảng Cộng hòa đã kêu gọi hạn chế xuất khẩu dầu Mỹ sang TQ, sau khi Tổng thống Joe Biden - một đảng viên Dân chủ quyết định bán 180 triệu thùng từ SPR để kiểm soát giá dầu.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm xuất khẩu dầu từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) sang Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm xuất khẩu dầu từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) sang Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Tính đến tháng 10-2022, các công ty dầu mỏ của Mỹ đã xuất khẩu gần 67 triệu thùng dầu sang TQ. Trong khi đó, trong cả năm 2020 - thời điểm ông Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa làm tổng thống, Mỹ chỉ xuất khẩu 176 triệu thùng sang TQ.

“Chúng ta không nên trao chìa khóa tương lai năng lượng của mình cho TQ" - Hạ nghị sĩ Cathy McMorris Rodgers, một đảng viên Cộng hòa từ bang Washington nói.

Bà cho rằng chính quyền ông Biden đang "lãng phí nguồn dự trữ chiến lược của Mỹ".

Ông Benjamin Salisbury - nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu thị trường Height Capital Markets nhận định đảng Cộng hòa muốn thông qua dự luật này trong đầu năm nay để làm nổi bật sự khác biệt giữa hai đảng chính trị.

Tuy nhiên, theo ông, để biến dự luật này trở thành luật "sẽ đòi hỏi những thỏa hiệp khó khăn" với Thượng viện, vốn thuộc quyền kiểm soát của đảng Dân chủ.

Các nhà lập pháp Hạ viện Mỹ cũng đã bỏ phiếu trong tuần này để thành lập một ủy ban chọn lọc về TQ nhằm ngăn ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng của Bắc Kinh. Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết dự luật sẽ giải quyết các vấn đề như đưa việc làm từ TQ trở lại Mỹ, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và đưa chuỗi cung ứng trở lại đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm