Các nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn được tiến hành ở vùng biển ngoài khơi Karawang, Tây Java, Indonesia để xác định nạn nhân trên chuyến bay của hãng hàng không Lion Air được cho là bị rơi vào sáng qua (29-10) sau khi cất cánh chỉ 13 phút.
Đã tìm thấy nhiều mảnh vỡ máy bay
Chiếc máy bay Boeing-737 Max 8 mang số hiệu JT-610 của hãng hàng không Lion Air khởi hành từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở Jakarta lúc 6 giờ 20 sáng (giờ địa phương) dự kiến đến TP Pangkalpinang, đảo Bangka vào lúc 7 giờ 20 sáng. Tuy nhiên, đến khoảng 6 giờ 33 thì máy bay bỗng mất liên lạc với đài không lưu.
Trưởng Cơ quan cứu hộ và tìm kiếm quốc gia Indonesia Muhammad Syaugi cho biết cơ quan của ông nhận được báo cáo về vụ việc vào khoảng 6 giờ 50 sáng, ngay lập tức gửi các nguồn lực đến địa điểm có thể xảy ra vụ tai nạn. Khoảng 150 cứu hộ viên, gồm 30 thợ lặn cùng nhiều tàu và trực thăng đã được điều tới địa điểm máy bay bị cho là rơi.
“Khi chúng tôi đến nơi, chúng tôi tìm thấy nhiều mảnh vỡ máy bay, trong đó có cả ghế máy bay, phao, điện thoại di động và một số đồ vật nhưng chưa có nạn nhân nào sống sót hay thi thể được tìm thấy” - ông Syaugi nói tại một cuộc họp báo với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia (KNKT).
Ông còn cho biết vị trí nơi phát hiện các mảnh vỡ cách vị trí máy bay biến mất trên màn hình kiểm soát không lưu hai hải lý. Máy bay có thể đã chìm xuống biển ở độ sâu khoảng 30 m đến 35 m. Có tổng cộng 189 người trên máy bay, bao gồm hai phi công, sáu tiếp viên và các hành khách. Ngoài ra, Bộ Tài chính nước này cho biết trên chuyến bay xấu số còn có ít nhất 23 quan chức và nhân viên của chính phủ Indonesia.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết chính quyền sẽ cố hết sức để tìm kiếm và giải cứu nạn nhân của vụ tai nạn. “Tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện và mong rằng các nạn nhân sẽ được tìm thấy. Tôi rất quan tâm đến gia đình các nạn nhân nhưng hy vọng mọi người sẽ giữ bình tĩnh trong khi chờ đợi các nhóm tìm kiếm cứu hộ làm việc. Tôi cũng lệnh cho KNKT ngay lập tức điều tra vụ việc và có kết quả càng nhanh càng tốt” - ông Joko nói.
Các thành viên gia đình của hành khách trên chiếc máy bay Lion Air JT 610 của Indonesia bị rơi tại sân bay Pangkal Pinang ở tỉnh Bangka Belitung. Ảnh: AFP
Vẫn chưa rõ nguyên nhân
Khi được hỏi về nguyên nhân vụ rơi máy bay, người đứng đầu KNKT, ông Soerjanto Tjahjono, cho biết: “Chúng tôi chưa thể đoán trước điều gì trước khi tìm thấy hộp đen và băng ghi âm từ đài không lưu”. Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết máy bay không phát tín hiệu khẩn cấp trước khi rơi nhưng đã xin được trở lại điểm xuất phát trước khi mất khỏi radar. Ông cho rằng vụ tai nạn lần này khá đặc biệt bởi chiếc máy bay còn rất mới và thời tiết rất thuận lợi chứ không hề có bão hay mưa lớn.
Chiếc Boeing 737 Max 8 chỉ vừa được vận hành trên toàn cầu trong 18 tháng qua và được quảng cáo là “chiếc máy bay đáng tin nhất thế giới”. Lion Air cho biết họ chỉ vừa vận hành chiếc máy bay này được hai tháng, từ ngày 15-8. Đây là dòng máy bay thân hẹp, hai động cơ thuộc thế hệ thứ tư của dòng Boeing 737. Mẫu 738 Max 8 có từ 162 đến 200 ghế ngồi. (Theo THE GUARDIAN) |
Ngoài ra, cơ trưởng là phi công Bhavye Suneja, 31 tuổi, người gốc New Delhi, Ấn Độ nhưng sống ở Jakarta, với kinh nghiệm 6.000 giờ bay. Ông về làm việc cho Lion Air từ tháng 3-2011. Trước đó ông là phi công tập sự ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập trong ba tháng. Cơ phó Harvino cũng có hơn 5.000 giờ bay.
Giám đốc điều hành Lion Air Edward Sirait cũng nói với các phóng viên rằng ông vẫn đang chờ cập nhật tình trạng của 189 người trên máy bay. Đồng thời cho biết công ty ông không thể đưa ra bất kỳ bình luận nào về vụ tai nạn và đang trong quá trình thu thập tất cả thông tin và dữ liệu liên quan tới vụ việc. Tuy nhiên, Guardian dẫn lời Edward Sirait cho biết sau khi chiếc Boeing 737 Max 8 thực hiện lộ trình từ Denpasar đến Jakarta đêm 28-10, phi công đã thông báo máy bay gặp vấn đề về kỹ thuật, song không nêu cụ thể máy bay gặp vấn đề gì. Các kỹ sư đã tiến hành kiểm tra theo đúng quy trình và máy bay được cho là đủ điều kiện an toàn khi cất cánh sáng 29-10.
Lion Air từng bị cấm bay vào châu Âu Hãng Lion Air có trụ sở tại Indonesia, là hãng hàng không giá rẻ đứng thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau AirAsia, hoạt động từ năm 2000. Trong gần một thập niên, Lion Air bị Liên minh châu Âu cấm bay vào không phận châu Âu vì thiếu an toàn. Tuy nhiên, lệnh cấm bị dỡ bỏ vào ngày 16-6-2016. Đầu năm nay, Lion Air giành được giải thưởng hàng đầu về an toàn do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) trao tặng. Công ty cũng được nâng hạng lên nhóm an toàn hàng đầu do tổ chức xếp hạng hàng không AirlineRatings.com trao tặng. Hiện mạng lưới bay của hãng bao gồm 183 tuyến nội địa cũng như từ Indonesia đến một số địa điểm ở nước ngoài như Singapore, Malaysia, Saudi Arabia và Trung Quốc. Tuy nhiên, hãng bay này cũng gặp không ít sự cố đáng tiếc. Vào tháng 1-2002, một chiếc Boeing 737-200 của hãng này đã bị rơi khi cất cánh tại sân bay quốc tế Sultan Syarif Kasim II ở Pekanbaru, tỉnh Riau. Các hành khách trên chuyến bay đó đã sống sót. Năm 2004, máy bay Lion Air số hiệu 538 cất cánh từ Jakarta đã bị vỡ khi hạ cánh xuống TP Solo làm 25 người thiệt mạng. Năm 2013, chiếc máy bay Lion Air mang số hiệu 904 đã rơi xuống biển khi hạ cánh tại sân bay quốc tế Ngurah Rai ở Bali. May mắn là toàn bộ 108 hành khách trên máy bay đã sống sót. |