Rừng bị triệt hạ rồi xin làm du lịch sinh thái

(PLO)- Sau khi số lượng lớn cây thông bị triệt hạ, cạo trọc… thì người đại diện cho các hộ gia đình đã có đề án xin làm Khu du lịch sinh thái Hoằng Trường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Rừng thông Linh Trường từng mang sứ mệnh là rừng phòng hộ bảo vệ ngư dân ven biển trong đó gồm hai xã Hoằng Trường và Hoằng Yến (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) kể từ những năm 1990.

Tuy nhiên, trước năm 2017, toàn bộ diện tích 400 ha rừng thông Linh Trường đã được chuyển đổi sang rừng sản xuất.

48,8 ha là diện tích rừng thông đang được xin chuyển đổi làm khu du lịch sinh thái. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

48,8 ha là diện tích rừng thông đang được xin chuyển đổi làm khu du lịch sinh thái.
Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Lý do rừng thông Linh Trường ra khỏi rừng phòng hộ

Tại thời điểm chuyển đổi sang rừng sản xuất, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thời điểm đó tỉnh Thanh Hóa thực hiện quy hoạch ba loại rừng giai đoạn 2016-2021 và rừng thông Linh Trường thuộc quy hoạch rừng sản xuất.

Nói về lý do đưa rừng thông Linh Trường ra khỏi danh sách rừng phòng hộ, Sở NN&PTNT cho rằng việc đưa rừng Linh Trường ra khỏi rừng phòng hộ là vì ưu tiên diện tích rừng phòng hộ cho các huyện vùng cao, biên giới của Thanh Hóa như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát. Bởi những vùng núi cao, biên giới thường hay xảy ra lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng.

Đến ngày 4-10-2021, Thủ tướng có Quyết định 1662 phê duyệt đề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh” giai đoạn 2021-2030. Quyết định của Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của rừng vùng ven biển với ba nhiệm vụ rất cụ thể: Bảo vệ rừng; khôi phục và phát triển rừng; tăng cường năng lực phát triển sinh kế cho cộng đồng… đặc biệt là đối với rừng phòng hộ.

Tháng 4-2022, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa có quyết định cho khai thác rừng thông và trồng mới các loại cây bản địa gồm cây dừa, dổi, bưởi sau khi khai thác. Điều đáng nói của văn bản này chính là yêu cầu để lại 600 cây thông/ha nhưng đến nay số lượng cây thông còn lại không đáng kể trên diện tích 68,4 ha.

Sau khi số lượng lớn cây thông bị triệt hạ, cạo trọc, đất núi bị cày nát thành rãnh thì điều bất ngờ xảy ra vào ngày 1-11-2022, ông Phùng Viết Ng là người đại diện cho các hộ gia đình đã có đề án xin làm Khu du lịch sinh thái Hoằng Trường.

Lãnh đạo UBND xã Hoằng Trường và Hạt Kiểm lâm ven biển tỉnh Thanh Hóa cho biết đã nhận được đề án trên. Theo đó, đề án của ông Ng ghi nơi gửi là: Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Hoằng Hóa, UBND xã Hoằng Trường thẩm định, góp ý đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng sản xuất cho nhóm hộ gia đình thôn Linh Trường với diện tích thực hiện khoảng 48,8 ha quản lý của bốn hộ gia đình.

Người dân lo lắng hơn 68 ha thông bị triệt hạ sẽ gây sạt lở đồi, ảnh hưởng khu dân cư dưới chân núi Linh Trường. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Người dân lo lắng hơn 68 ha thông bị triệt hạ sẽ gây sạt lở đồi, ảnh hưởng khu dân cư dưới chân núi Linh Trường. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Cơ quan chức năng đang vào cuộc xử lý

Trao đổi với PV, ông Mai Hữu Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Khai thác rừng thông ở Linh Trường được thực hiện theo quy định của pháp luật đối với rừng sản xuất. Quá trình khai thác cây thông Sở NN&PTNT đã có văn bản đồng ý cho khai thác nhưng khuyến cáo đảm bảo 600 cây thông/ha.

Tuy nhiên, quá trình khai thác nếu không còn đảm bảo 600 cây/ha thì cũng không có chế tài xử lý vì theo quy định của rừng sản xuất họ có thể khai thác toàn bộ và trồng lại. “Hiện nay chúng tôi đang kiểm tra việc khai thác rừng thông, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định” - ông Phúc nói.

“Dứt khoát không thể có chuyện khai thác rừng xong thì xin chuyển mục đích rừng sản xuất để làm du lịch được.”

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, cho biết quan điểm của Sở NN&PTNT là xử lý nghiêm, sai đến đâu xử lý đến đó. Sau khi nắm được thông tin Pháp Luật TP.HCM phản ánh, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ thông tin báo phản ánh.

Theo ông Cường, phương án khai thác phải để lại 600 cây thông/ha và bắt buộc phải thực hiện phương án khôi phục trồng rừng lại bù vào diện tích đã khai thác.

Xung quanh thông tin về người đàn ông tên Ng đại diện cho các hộ gia đình có 68,4 ha rừng thông trên núi Linh Trường xin làm du lịch sinh thái, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa Cao Văn Cường khẳng định Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa chưa nhận được “tờ trình” nào do ông Ng xin làm du lịch sinh thái trên núi Linh Trường.

Ông Cường lý giải: Nếu muốn làm du lịch sinh thái trước hết phải xin chủ trương UBND tỉnh có đồng ý hay không. Việc khai thác rừng sản xuất theo quy định thì bắt buộc là phải trồng rừng, khôi phục lại rừng theo quy định, trường hợp làm không đúng thì phải xử lý theo quy định của pháp luật.

“Hiện Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Hoằng Hóa và các đơn vị liên quan kiểm tra. Khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý. Dứt khoát không thể có chuyện khai thác rừng xong thì xin chuyển mục đích rừng sản xuất để làm du lịch” - ông Cường khẳng định.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm