Suối Đôi ở thuộc xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Dây cáp treo tự chế này dài khoảng 50m, đầu buộc vào thân cây hai bên suối. Trên dây có hai chiếc ròng rọc nối khung sắt chiều dài khoảng 1,2m, rộng khoảng 60 cm để làm chỗ ngồi với tổng chi phí 5 triệu đồng do người dân góp lại. Mỗi lần chở được tối đa 3 người. “Cáp treo giã chiến” này là phương tiện duy nhất nối hai bờ suối Đôi để hơn trăm con người hai bờ sinh hoạt.
Người dân qua lại
Con đường độc đạo của
Chỉ cách trung tâm xã Ia Dom chừng 4km nhưng cuộc sống của người dân nơi đây dường như ở một thế giới khác. Họ không có nhà, điện, đường, nước sạch... Mọi hoạt động như mua bán, học hành đều phải dùng đến cáp treo này.
Đất bên kia bờ suối là đất lâm trường thuộc Ban quản lý Rừng phòng hộ Đức Cơ, có hơn 16 hộ gia đình với 40 nhân khẩu sinh sống. Họ là những người dân Cà Mau, Thanh Hóa lên đây ở làm thuê, không có nhà cửa, đất đai. Trước đây, các hộ dân phải lội suối để đi chợ, đi làm nhưng hơn 1 năm nay người dân chung tiền vào làm một cái cáp treo để việc đi qua suối được thuận tiện hơn.
Trẻ em đến trường trên cáp treo
Dù có tiện hơn nhưng việc qua suối bằng cáo lại khá nguy hiểm. Anh Dĩnh (một người dân trong làng) cho biết - cách đây chừng 2 tháng, khi đang đi trên cáp thì ròng rọc bị gãy khiến anh bị rơi xuống nược nhưng may mắn anh bơi giỏi và nước không chảy xiết lắm. Việc đứt cáp đã từng xảy ra người dân nơi đây vô cùng lo lắng khi trẻ nhỏ đi học. Chính vì vậy có nhà chấp nhận cho cháu mù chữ còn hơn gặp nguy. Cả làng có khoảng 25 em đến tuổi đi học nhưng chỉ có 5 em đến trường.
Hàng ngày phải qua sông đi học, em Đinh Ngọc Mơ (lớp 2) cho biết: “Mỗi ngày cháu phải qua sông 2 lần. 6h sáng bố cháu đưa cháu qua sông đi học, 10h trưa đón cháu về, những hôm học cả ngày phải qua đến 4 lần. Cháu không dám qua suối 1 mình”.
Chờ ý kiến của huyện về cầu dân sinh
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Thiện, Chủ tịch xã Ia Dom, cho biết hiện tại có 175 hộ dân (692 khẩu) ở Đội 15, 17 và 18 ở phía bờ bên này có đất sản xuất ở phía đất lâm trường nên phải qua bên kia sông để làm rẫy. Ở phía đất lâm trường có 16 hộ dân (40 khẩu) đang sinh sống được vài năm nay, tất cả hằng ngày đều phải đánh đu qua sông theo cách này.
Căn chòi của người dân bên kia bờ
Vẫn chưa quên được nỗi đau, anh Trần Phương Nam bùi ngùi nhớ lại người vợ đã khuất hơn 4 năm trước: “Vợ tôi đi mua đồ ăn, lội qua sông không may trượt ngã, chết đuối, phải mất 4 ngày mới tìm được xác. Chúng tôi muốn làm một cái cầu qua sông nhưng dân làng nơi đây nghèo khó không đủ khả năng, chỉ hùn tiền làm cái cáp treo tự chế để đỡ phải lội suối ướt át chứ thật cũng chẳng an toàn hơn là mấy”.
Vào những mùa nước lũ, nước của suối Đôi dâng cao, các hộ gia đình lại dìu dắt nhau lên trên núi ở, có lúc không chuẩn bị kịp thức ăn phải đi đào củ mì, củ mài để sống qua ngày. Đa số người dân di cư từ xa đến và không có giấy tờ.
Trao đổi thêm với ông Nguyễn Văn Luyện, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đức Cơ, cho biết sau khi nhận thông tin người dân nghèo ở suối Đôi phải đi lại bằng cáp tự chế, ngày 11-9 đoàn lãnh đạo của huyện đã xuống thực tế để nắm tình hình. Việc xem xét làm cầu dân sinh cho người dân nơi đây phải đợi kết quả kết luận của đoàn kiểm tra.