Không thể tách rời sợi cáp treo
Ngồi đối diện với tôi là ông Nguyễn Chát - 47 tuổi, em trai, cũng là người chứng kiến cái chết thương tâm của ông Nguyễn Chua. Với khuôn mặt khắc khổ, già hơn tuổi mình, ông Chát buồn rầu kể lại: “Anh em tôi tên là Chua, Chát. Số phận cũng chua chát như cái tên, cho nên cả đời cực nhọc, nghèo khổ, đến cái chết cũng vì miếng cơm, manh áo.
Hơn 7h sáng 26.10, hai anh em tôi ra bến Đồng Nhì để qua sông Krông Ana bón phân cho vườn càphê. Tôi đu dây qua trước, vừa tới nơi thì nghe tiếng la thất thanh, tôi nhìn lại đã thấy anh Chua quằn quại bên mép sông. Tôi lập tức kêu thêm người đưa anh đi cấp cứu, nhưng chưa tới bệnh viện thì anh đã chết. Sự việc chỉ có vậy. Quá nhanh và quá đơn giản, y như trong ý nghĩ chứ không phải đã xảy ra rồi”. Theo ông Chát, nguyên nhân vụ tai nạn là do sợi dây nối vào bánh xe - còn bánh xe trượt trên sợi cáp bắc qua sông - bị đứt, khiến ông Chua rơi xuống từ độ cao gần 10m với tốc độ cao theo quán tính.
Vừa từ đám tang ông Chua trở ra, ông Nguyễn Ngọc Kính - 49 tuổi, trú thôn 6 - vẫn nói như chưa hề có tai nạn chết người: “Chúng tôi quanh năm dựa vào nương rẫy bên kia sông, giờ bảo không đu dây nữa chẳng khác nào bị chặt chân, chặt tay, rồi biết lấy gì sinh sống, nuôi con ăn học. Dù biết đu dây rủi lắm, mạng mình treo miệng tử thần, nhưng biết làm sao được”. Đúng như ông Kính nói, một lát tôi thấy ông vác bao bị, cuốc xẻng ra bến, bình thản đu dây vèo vèo qua bên kia sông.
Ông Lê Văn Bình - thôn phó thôn 6 - dẫn chúng tôi ra bến Đồng Nhì, rồi bến Ba Cô để mục sở thị các “chuyến bay” qua sông của người dân xã Hòa Lễ. Chỉ một đoạn sông vài trăm mét, tôi đếm được mấy chục cột cáp treo tự chế với thiết kế đơn giản, chỉ gồm các cọc gỗ chôn hai bên bờ, một sợi cáp dài khoảng 100 mét bắc qua sông. Ý tưởng này xuất phát từ việc người dân biết rằng qua lại, vận chuyển hàng hóa bằng thuyền độc mộc quá nguy hiểm.
Phụ nữ xã Hòa Lễ đu dây vượt sông Krông Ana hằng ngày. |
Ông Bình nói: “Vào mùa lũ, cũng là mùa thu hoạch nông sản, đoạn sông này đã chứng kiến bao nhiêu vụ lật thuyền, chết người. Tại bến sông thôn 5 từng xảy ra vụ lật thuyền khiến 3 cô gái trẻ bị đuối nước thương tâm, từ đó người dân gọi là bến Ba Cô”. Cũng theo ông Bình, so với thuyền bè thì đu dây rút ngắn được thời gian, lại vận chuyển được nhiều vật tư, nông sản qua lại mà không mất nhiều sức lực. Do vậy cuộc sống của người dân không thể tách rời những sợi cáp treo, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em.
Ông Bình đưa chúng tôi đến những trụ cáp treo rồi tiếp tục câu chuyện: “Dân tụi tui nghèo nên chỉ mua loại dây cáp có đường kính nhỏ, qua thời gian sử dụng đã bị gỉ sét, mòn dẹt, các cọc đóng ở hai bên bờ cũng mục rồi. Để “bay” qua sông, người dân phải sử dụng thêm bộ đồ nghề phụ gồm dây thừng, dây curoa, bánh xe. Khi đu, bánh xe trượt trên dây cáp với tốc độ cực nhanh, lao vèo từ bên này sang bên kia sông. Nếu thần kinh yếu, người đu sẽ bị hoảng loạn, mất thăng bằng. Khi đó rất dễ cắm đầu, va đập vào cây, mép sông dẫn đến thương tích.
Nguy hiểm hơn, nếu dây thừng, dây curoa bị đứt hoặc bánh xe bị trượt khỏi dây cáp, người đu sẽ bị rớt xuống sông, mất mạng như chơi. Vào mùa vụ, mỗi ngày những cột cáp treo này phải oằn mình “cõng” vài trăm người, hàng chục tấn hàng qua lại. Thậm chí, để việc vận chuyển hàng hóa đạt công suất tối đa, người dân còn chế ra những chiếc lồng sắt to hết cỡ, chở tới vài tạ hàng”.
“Bay” trên dòng nước dữ
“Giới thiệu” xong, ông phó thôn bảo chúng tôi thử “cảm giác mạnh” để biết những khó khăn, khổ cực của người dân nơi đây, tôi lập tức gật đầu. Ông Bình kêu thêm vài người hỗ trợ, rồi kéo chiếc lồng sắt dài khoảng 1m, rộng khoảng 30cm ra. Ông Bình chui vào trước, đến lượt tôi, rồi thêm 4 người nữa. Chỉ một người ở lại giữ thăng bằng cho chiếc lồng, sau đó người này đẩy chiếc lồng chạy tuốt ra giữa sông, bắt đầu “chuyến bay”.
Gió vù vù bên tai, tôi chỉ muốn nhắm mắt lại cho khỏi sợ, nhưng lại sợ không viết được bài nên lại mở ra, tim đập thình thịch trong lồng ngực. Khi còn cách bờ bên kia khoảng 15m, bánh xe bỗng khựng lại trên dây cáp, chiếc lồng sắt chở chúng tôi lơ lửng giữa sông. Thấy tôi hoảng hốt, ông Bình vội trấn an: “Đừng sợ, chú cứ ngồi im, đừng có động đậy không té bây giờ. Sự cố này tôi gặp hoài, không sao hết”.
Nói rồi ông Bình và những người đi cùng nhổm dậy, dùng 2 tay bám chặt vào sợi cáp, lấy hết sức bình sinh kéo từng nhịp tay, khó nhọc như bác thợ điện kéo dây để đưa chiếc lồng nhích dần vào bờ. Đến nơi, toàn thân ông phó thôn ướt sũng mồ hôi, mặt đỏ bừng, thở hổn hển. Đợi ông Bình hồi sức, tôi thắc mắc sao đang “bay” mà chiếc lồng khựng lại, ông chậm rãi nói: “Do lúc thiết kế, độ dốc của cột và dây cáp không đều, khi đu với trọng lượng quá lớn thì dây cáp võng xuống, khiến bánh xe không chạy được”.
Bến sông nơi ông Chua gặp nạn. |
Tiện lợi hơn con thuyền tròng trành giữa dòng nước xiết, song những sợi cáp treo tự chế cũng nguy hiểm không kém, thực tế đã có nhiều người dân đu dây bị ngã gãy tay, gãy chân, đa chấn thương, thậm chí là thiệt mạng. Cách đây hai năm, ông Nguyễn Ngọc Phương - 47 tuổi, trú thôn 2, Hòa Lễ - bị ngã, phải nằm viện đúng một năm mới đi lại được. Nạn nhân mới nhất là bà Nguyễn Thị Thọ - vợ ông Chua, người vừa tử nạn hôm 26.10. Ngày 25.8, bà Thọ đu cáp qua sông trên độ cao hơn 10m, chẳng may bánh xe trượt khỏi dây cáp nên kẹt cứng, bà Thọ tuột tay ngã xuống bờ sông bất tỉnh tại chỗ.
Rất may ngay sau đó bà được những người chuẩn bị “bay” phát hiện, đưa đi bệnh viện huyện với kết quả chẩn đoán chấn thương vùng vai và cổ, lệch quai hàm, mẻ đốt sống cổ số 4. “Treo mình trên độ cao khoảng 10m, mới đầu ai cũng sợ nhưng rồi cũng nhắm mắt, lâu dần thành quen” - bà Văn Thị Hòa - một người dân - trả lời tôi vội vã rồi đu dây qua sông thu hoạch bắp.
Bao giờ dân hết đu dây?
Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ tịch xã Hòa Lễ - cho biết: “Trước đây xã có tổng cộng 21 dây cáp treo do người dân tự chế, gần đây do báo chí phản ánh nhiều nên xã vận động tháo dỡ được 18 dây, chỉ còn 3 dây bắc qua sông Krông Ana. Thời điểm này là mùa thu hoạch càphê, nhiều người có rẫy bên kia sông Krông Ana phải đu dây đi làm, tai nạn thương tâm như trường hợp ông Chua có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Chúng tôi đã nhiều lần khuyến cáo bà con về mức độ rủi ro, đặc biệt trong mùa mưa lũ, nhưng vì nhu cầu mưu sinh nên phần lớn bà con đành nhắm mắt. Biết làm sao được. Bà con mong có một cây cầu, mong lắm nhà báo ơi”. Chúng tôi đem nguyện vọng của người dân Hòa Lễ đến Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Đắc Lắc. Ông Tô Quang Dịnh - Phó Trưởng phòng Giao thông - kêu khó: “Toàn tỉnh có khoảng 300 cây cầu, chủ yếu là cầu treo và cầu gỗ bị hỏng đang cần sửa chữa hoặc xây dựng lại với số tiền hơn 560 tỉ đồng. Do kinh phí eo hẹp, tỉnh chọn 32 cầu hỏng nặng nhất để ưu tiên sửa chữa, vậy nhưng cũng không đủ tiền.
Làm lại cầu đã quá sức, nếu cả những điểm cáp treo cũng làm cầu hết thì càng không chịu nổi”. Còn theo ông Đỗ Bình Chính - Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Đắc Lắc - thì dây cáp treo không có trong danh mục quản lý của sở. Khi chính quyền địa phương đề nghị xây cầu tại điểm cáp treo ở xã Hòa Lễ, sở cũng rất kịp thời làm công văn đề xuất UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.
Vừa rồi cây cầu tại xã Hòa Lễ được đưa vào danh mục đầu tư, Sở Giao thông - Vận tải đã làm việc với chính quyền địa phương để triển khai dự án. Tuy nhiên, với thực trạng đường sá khó khăn, một cây cầu bắc qua sông Krông Ana tại xã Hòa Lễ chắc không đủ “nối những bờ vui”. Người dân sẽ lại đu dây để khỏi đi vòng.
Theo ĐẶNG TRUNG KIÊN (Lao Động)