Người Sài Gòn tử tế - Bài 6:

Người chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo hiếu học

Khởi điểm là năm suất học bổng được trao đi vào năm 1999, cho đến nay, tài sản lớn nhất của bà Ngọc là đàn con 1.700 đứa gọi bà bằng cái tên thân thương: “má Ngọc”. 17 năm, 1.700 suất học bổng, 1.700 mảnh đời được bà giúp đỡ để không bỏ phí cuộc đời mình.

 Bà Ngọc trao học bổng cho học sinh vượt  khó học giỏi ở Củ Chi.

Tài sản lớn là đàn con đã trưởng thành

Nhớ lại lần đầu tiên tận tay trao các suất học bổng cho các bạn, bà Ngọc bồi hồi: “Lúc mới bắt tay làm, chưa có ai tham gia cả, năm đứa đầu tiên đều do người thân trong gia đình giúp đỡ chứ cũng không biết tìm ai. Cái cảm giác lúc đó, khiến mình thấy hạnh phúc, hạnh phúc nhiều lắm!”. 

Anh Nguyễn Văn Cải - một trong số năm học trò được nhận học bổng đầu tiên, hiện đang là phó hiệu trưởng trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi, TP.HCM) chia sẻ: “Má đã tập hợp những đứa trẻ cùng chung một mẫu số với mình lại với nhau, để tụi mình có động lực vươn lên, phấn đấu trở thành người có ích, không hoang phí cuộc đời mình”. 

Là một học trò hiếu học, hoàn cảnh gia đình không được may mắn như bao bạn khác, mẹ mắc chứng bệnh tâm thần, không biết cha mình là ai, anh Cải đã phải mò cua bắt ốc từ thuở lớp 3 để tự nuôi thân. Cái nghèo bám rễ, ăn sâu và cuộc sống khiến con đường đến trường vì thế cũng trở nên gập ghềnh hơn. Được thầy cô giúp đỡ, năm 1999, anh Cải đươc nhận suất học bổng của bà Ngọc. Từ đó, người trai trẻ này nuôi dưỡng ước mơ trở thành giáo viên để đền đáp công ơn mà thế hệ trước đã làm cho anh.

Chị Xuân Mai (hiện là giáo viên của một trường nước ngoài) hớn hở: “Mình may mắn được nhận học bổng lúc mình học lớp 12, phần học bổng đó đã giúp mình rất nhiều trong việc trang trải chi phí. Ở má Ngọc, mình luôn cảm nhận được sự ấm áp. Mình cứ tưởng một người nghèo như mình thì không ai chú ý đến, nhưng chính cái ôm của má đã kéo mình ra khỏi suy nghĩ đó. Má gần gũi, thân thiết, lo cho tụi mình từng bữa cơm và luôn hỏi han mỗi khi gặp mặt”.

Tôi hỏi "má Ngọc" tại sao bà lại chọn lựa công việc tìm kiếm học bổng cho những đứa học trò và gắn bó bền bỉ với nó đến vậy? Bà bảo, công việc đến với bà như một cái duyên, cái duyên của một người từng được tập kết ra miền Bắc. Từ năm 15 tuổi, được gặp mặt Bác (Bác Hồ - NV), được Bác gửi gắm, dạy bảo, rằng: “Mong cô sau này lớn lên, trở về miền Nam góp công sức cho sứ mệnh xây dựng nước nhà”. 

Lời dạy đó ăn sâu vào một đứa trẻ cho đến khi trưởng thành, đến cái tuổi gần đất xa trời vẫn cần mẫn với công việc, ngày ngày kiếm tìm những suất học bổng, mang con chữ đến với thế hệ trẻ. 72 tuổi, bà vẫn tiên phong trong hoạt động khuyến học, là người đi đầu trong các chương trình “Học bổng khuyến tài”, “Học bổng một và một”, “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học”…

“Tôi hạnh phúc hơn rất nhiều người vì được học hành. Mình không có quyền bỏ qua bất cứ số phận của một đứa học trò nghèo nào, không có quyền quay lưng lại với những đứa trẻ đang khát khao được đến trường. Tụi nó cần được chia sẻ những nỗi bất hạnh đó, cần được động viên, cần có người kề vai để vượt qua được khúc quanh của cuộc đời. Vậy nên mình đến với tụi nhỏ”- bà nói về công việc của mình, một cách trong trẻo.

Tình thương lan tỏa

Không nhận mình là người đi đầu trong các hoạt động khuyến học, bà chọn đứng giữa, làm cầu nối cho lũ học trò nghèo và những người muốn giúp đỡ chúng. Tình thương giữa người với người chính là cái tâm của vòng tròn kết nối các thế hệ.

Biết đến bà trước đó cùng việc tìm hiểu thông tin qua mạng, cô Quế Lan (cựu tù Côn Đảo) đã chủ động tìm đến bà, xin được giúp sức mình vào công tác khuyến học. Cô đã xin bà trợ cấp phần học bổng trị giá 10 triệu đồng cho Hoa (Củ Chi), chia ra từng tháng, mỗi tháng một triệu. Cô Lan bảo: “Mỗi tháng tôi được chu cấp 800 nghìn tiền cựu tù, bỏ thêm vào đó 200 nghìn nữa thì sẽ giúp được các em ấy học hành tốt hơn”.

Các bạn trẻ đã được nhận học bổng trước đó, nay lại quay về, cùng bà Ngọc thực hiện ước mơ còn dang dở của nhiều người khác. Có bạn tham gia trực tiếp cùng bà, có bạn hàng tháng gửi tiền đều đặn vào tài khoản rồi nhờ bà chuyển đến người cần giúp đỡ. Đăng (hiện đang làm cho một công ty Nhật) chủ động gọi về, xin giúp đỡ những bạn khác. Ban đầu là 300 nghìn, đến nay là 6 triệu đồng cho mỗi suất học bổng. Mỗi tháng Đăng đều gửi đều đặn vào tài khoản của bà để chuyển giúp cho các bạn.

Anh Long- một trong năm người nhận suất học bổng đầu tiên của bà Ngọc nay mở công ty và kêu gọi mọi người trong công ty cùng tham gia vào quỹ khuyến học. Hay anh Cải, phó hiệu trưởng trường THPT Quang Trung thay vì đóng góp tiền, anh chọn cách mở rộng hoạt động đó ra. Anh tham mưu để cùng thầy cô trong trường mở quỹ khuyến học giúp đỡ những bạn học sinh nghèo, chu cấp những vật dụng cần thiết để các bạn có thể đến trường. Anh chia sẻ: “Đó là tình cảm của người đi trước dành cho người đi sau, mình đã từng trải qua nên hiểu. Hạnh phúc là khi mang đến niềm vui cho một ai đó”.

Bà Ngọc tâm niệm, một người làm công tác khuyến học sẽ thành công khi người đó hội tụ đủ năm chữ T (bà thường đùa là 5T): “Tâm- Tầm- Trí- Tín- Thời”. Những gì bà làm được hôm nay còn là sự chung tay của nhiều người cùng chung sức. “Trước hết, tôi muốn làm một người Sài Gòn tử tế, sau đó là lôi kéo những người dù không phải gốc ở Sài Gòn cũng trở thành người Sài Gòn tử tế như tôi” – bà nhìn tôi, cười sảng khoái.

 

Bà Trần Thị Kim Thanh, nguyên phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM:

Cô Ngọc là tấm gương về đức hi sinh

Tôi biết về cô Ngọc từ khi tôi ra trường và trở thành giáo viên giảng dạy tại TP.HCM. Thực sự để làm việc với cô là từ khi tôi trở thành Trưởng Phòng GD&ĐT Quận 1 và năm năm làm việc tại Sở GD&ĐT TP. Công việc của tôi làm cũng là tiếp nối công việc mà cô Ngọc đã từng làm về giáo dục mầm non nên tôi đã thấu hiểu và học hỏi rất nhiều từ cô.

Với tôi, cô như một tấm gương, là người cô, người chị lớn. Cô đã dạy cho chính tôi và biết bao đồng nghiệp tôi về cách làm người, biết quan tâm đến những hoàn cảnh kém may mắn. Không chỉ là quan tâm đến mọi người một cách đơn thuần mà ẩn chứa trong đó là đức hi sinh. Cô sẵn sàng chắt chiu những cái mà cô đáng lẽ được hưởng để giúp đỡ cho đồng nghiệp hoặc những em học sinh, sinh viên khó khăn.

Với vai trò phó chủ tịch hội khuyến học TP.HCM, cô đã phát huy được tinh thần trách nhiệm, tình yêu của mình đối với ngành giáo dục, với nghề dạy học. Bản thân cô luôn trăn trở, tìm ra được nhiều giải pháp đóng góp cho Hội, đưa Hội trở thành đơn vị điển hình trong cả nước.

Cô là cánh chim đầu đàn, là người kết nối được, tìm kiếm và tạo được uy tín để các nhà tài trợ, tổ chức xã hội, nhà hảo tâm tin tưởng và hỗ trợ cùng cô trong một thời gian dài và hiệu quả.

Tôi không thể quên được khi tôi cùng cô đến thăm các chiến sĩ ở đảo Trường Sa trong một chuyến đi đầu năm 2013. Cô trực tiếp đi hỏi thăm đến từng chiến sĩ. Đặc biệt, khi chúng tôi có xuống bếp để phụ các em chiến sỹ ở đó, khi hỏi han, chúng tôi vô tình biết em làm bếp ở đó có hoàn cảnh rất khó khăn, em có đứa con không may mắn khi sinh ra đã bị tật nguyền. 

Lúc đó, cô Ngọc bật khóc trước mọi người. Rồi cô bàn với mọi người rằng mỗi người đóng góp một chút. Sau đó cô cầm phần đóng góp đó đưa đến tận tay cho em chiến sĩ ấy. Tôi tin chắc rằng, nghĩa cử đó của cô sẽ động viên, tiếp thêm sức mạnh đến người chiến sỹ đó nói riêng và chia sẻ được rất nhiều với những khó khăn, trọng trách mà các chiến sĩ Trường Sa đang ngày ngày gánh vác.

PHẠM ANH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm