60 năm sự kiện “Tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh” (1954-2014)

Sống mãi khí thế hào hùng

Tháng 10-1954, thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (nay là TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) là một trong ba điểm tập kết ở Nam Bộ (cùng với điểm Cà Mau và Xuyên Mộc) để bộ đội ta chuyển quân ra Bắc nhằm thi hành Hiệp định Genève.

Ngày ấy, cứ mỗi chuyến tàu rời bến lại có hàng ngàn bàn tay lưu luyến tiễn đưa. Đã có biết bao nước mắt rơi cùng lời hẹn tạm chia ly trong hai năm để chờ ngày tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Thế nhưng mãi đến 21 năm sau, lời hẹn hò ở bến bắc Cao Lãnh mới trở thành sự thật với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau 60 năm, hơn 600 cựu chiến binh từng tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh ngày nào lại “hội quân” về chốn cũ để nhắc nhớ thế hệ mai sau về sự kiện lịch sử trọng đại của nước nhà.

Ký ức ngày chuyển quân

Ngày 7-5-1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Một ngày sau, hội nghị Genève khai mạc và đến ngày 20-7-1954 đã thông qua hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Để thi hành hiệp định, quân đội hai bên phải ngừng bắn. Vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) được chọn làm ranh giới tạm thời. Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết về miền Bắc, còn phía bên kia tập trung về miền Nam để đến ngày 20-7-1956 tổ chức tổng tuyển cử, thống nhất đất nước.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, nhớ lại: “Giữa tháng 8-1954, đơn vị của tôi được lệnh tập kết về Cao Lãnh để chuyển quân ra Bắc. Tụi tôi từ Lai Vung vượt sông Tiền qua Cao Lãnh nhưng đâu có tiếp quản ngay được. Đơn vị phải di chuyển bằng đường sông, lòng vòng từ sông Tiền vào kênh Nguyễn Văn Tiếp rồi qua kênh Dương Văn Dương vì quân Pháp chưa rút khỏi Cao Lãnh. Mất hơn nửa tháng chuyển quân lòng vòng, đến đầu tháng 10-1954, đơn vị mới về đóng quân tại Hòa An (Cao Lãnh)”.

Ngày gặp lại, các cựu chiến binh trao nhau những cái siết tay thật chặt để cùng nhau nhớ lại quá khứ hào hùng. Ảnh: GIA TUỆ

Theo Đại tá Nguyễn Văn Bảy, Cao Lãnh vốn là vùng địch chiếm và họ chỉ mới trao trả cho quân ta để làm điểm tập kết chuyển quân ra Bắc. Bà con miệt này xưa nay ít tiếp xúc với bộ đội nên ban đầu thái độ và tình cảm của họ “không thân mà cũng không sơ”.

“Anh em đóng quân ở đây hơn ba tháng để chờ chuyển quân. Đó là quãng thời gian vừa ổn định đội ngũ, vừa thực hiện công tác dân vận. Chúng tôi miệt mài cùng bà con địa phương đắp đường, sửa cầu, sinh hoạt với các em thanh thiếu nhi… Mà nói thiệt, bộ đội mình đâu đó ngay thẳng, không tơ hào của dân, bà con có việc là nhào vô giúp nên chỉ vài bữa là mấy ba, mấy má và các chị đều mến, đều thương. Có cái gì ngon cũng để dành cho anh em bộ đội” - Đại tá Bảy nhớ lại.

Còn Trung tá Võ Thành Nam, cựu chiến binh Tiểu đoàn 311, cho hay: “Khi nhận lệnh vào tiếp quản Cao Lãnh và thực hiện nhiệm vụ xây mới ngôi mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và xây đài liệt sĩ ở ngã tư Lầu Mười Chuyển, anh em ai cũng háo hức. Tụi tôi không quản nắng mưa, cố gắng làm hết mình để nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ trước ngày xuống tàu”.

Theo Trung tá Nam, ngày đó ông mới 23 tuổi, khi nhận lệnh tập kết ra Bắc ông chỉ kịp nhắn về nhà ở Thanh Bình để cha mẹ cùng anh trai lên thăm. “Đằng đẵng mấy năm trời đánh giặc tôi đâu có thời gian để tạt qua nhà, trong hơn ba tháng ngắn ngủi cũng gặp gỡ ba má chẳng được bao lâu. Lúc bước xuống tàu tôi không khóc, chỉ mím chặt môi giơ tay vẫy chào má, lòng thầm hứa hai năm nữa sẽ trở về. Ai dè đến 21 năm sau tôi mới được quay về gặp má” - Trung tá Nam bồi hồi.

Ngày 29-10, chuyến tàu cuối cùng rời bến bắc Cao Lãnh trong sự tiễn đưa nồng hậu của hàng ngàn đồng bào. Các má, các chị gạt nước mắt trao vội những chiếc khăn rằn, ít giỏ trái cây, tôm khô để anh em ăn trong những ngày lênh đênh trên biển. “Giây phút ấy mắt ai cũng đỏ hoe vì xúc động. Tôi cứ nhớ mãi lời dặn cuối của má: “Con đi ra ngoài đó theo Bác Hồ gắng học tập cho giỏi, hai năm nữa thống nhất về thăm ba má, thăm quê hương mình nghen con”” - Trung tá Nam nhớ lại.

Rộn ràng ngày hội quân sau 60 năm

Thấm thoắt mới đó đã 60 năm. Giờ đây trong những ngày cuối tháng 10-2014, tại TP Cao Lãnh đi đến đâu cũng thấy không khí rộn ràng, náo nức của ngày hội. Trong hai ngày 27 và 28-10, trên 600 cựu chiến binh trong tổng số hơn 13.500 cán bộ, chiến sĩ từng xuống tàu ra Bắc ngày ấy đã tụ hội về chốn xưa. Người đến từ TP.HCM, người từ Tây Ninh, người ở An Giang… Thậm chí có những người dù điểm tập kết chuyển quân là ở Cà Mau (như cô Trần Thị Xuân Nguyệt, 71 tuổi, ngụ TP.HCM) cũng vẫn theo đoàn TP.HCM về Đồng Tháp để cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm.

Mở đầu cho các chuỗi hoạt động, chiều 28-10, các đoàn đã “hội quân” ở Khu di tích mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Cựu chiến binh Bùi Duy Phương tay chống gậy bước từng bước khó nhọc nhưng vừa thoáng thấy Trung tá Võ Thành Nam đã ào tới ôm chầm lấy người đồng đội ở Tiểu đoàn 311 năm nào. Đồng đội từng chung Tiểu đoàn 311 cũng ào đến vây quanh, hỏi han nhau không rời ra được. Suốt từ đó đến tối, đôi bạn cũ tuổi đã ngoài 85 cứ xoắn lấy nhau không rời. Hai ông tay trong tay dìu nhau đi dâng hương rồi đưa nhau dạo quanh khu di tích.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy bày tỏ: “60 năm trước tụi tôi ai cũng rộn ràng khí thế tuổi trẻ. Không ngờ tới giờ lại được sống lại không khí của những ngày hào hùng đó, ai cũng thỏa nguyện lắm rồi”.

GIA TUỆ

Tập kết chuyển quân là một nội dung quan trọng trong Hiệp định Genève. Do có vị trí chiến lược thuận lợi, thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (nay là tỉnh Đồng Tháp) được Đảng ta chọn làm một trong ba khu tập kết quan trọng tại Nam Bộ. Thông qua tập kết, Xứ ủy Nam Bộ, Tỉnh ủy Long Châu Sa tổ chức các hoạt động sôi nổi, phong phú, góp phần nâng cao ý thức cách mạng, khơi dậy tinh thần dân tộc trong quần chúng nhân dân.

 Sống mãi khí thế hào hùng ảnh 2

Trong khi đó, các cán bộ, bộ đội tập kết ra Bắc được học tập nâng cao trình độ để góp phần xây dựng quân đội chính quy, tham gia xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh, thực hiện nghĩa vụ quốc tế với Lào và Campuchia…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm