Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, hệ thống thủy đạo này còn mang giá trị lịch sử và cảnh quan gắn liền với di tích. Tuy nhiên do thời gian hệ thống thủy đạo gần như đã “chết” và trở thành nỗi ám ảnh của người dân Huế.
Lá phổi Kinh thành
Từ khi vua Gia Long chọn Huế làm kinh đô đã quan tâm đặc biệt đến yếu tố mặt nước của địa bàn này nên các nhà kiến trúc bấy giờ đã cho đắp lấp một số đoạn của hai chi lưu bên tả ngạn sông Hương và sông Bạch Yến để đắp xây thành lũy. Đồng thời, họ đã lợi dụng một số đoạn của hai chi lưu đó tạo nửa phần phía đông của Ngự Hà và một số hồ tự nhiên cũng như cho đào thêm các ao hồ trong kinh thành Huế.
Hồ Tịnh Tâm một trong những điểm đến của du khách cũng trở nên hoang tàn và bẩn. Ảnh: VIẾT LONG
Hệ thống các hồ trong kinh thành Huế ngày xưa tùy vào từng thời điểm lịch sử khác nhau mà có những chức năng riêng biệt. Tuy nhiên đều hướng đến mục đích đáp ứng nguyên tắc phong thủy cho công trình kiến trúc; tạo ra vẻ đẹp tự nhiên, tô điểm thêm cho giá trị thẩm mỹ của công trình mà ngày nay gọi chung là kiến trúc cảnh quan; chức năng điều tiết nước, đây là mục đích quan trọng hàng đầu vì Huế là nơi có lượng mưa lớn nhất nhì Việt Nam. Hầu hết mưa đều tập trung vào các tháng 10, 11, 12 với lượng mưa trung bình 3.000mm. Nếu không có giải pháp điều tiết nước tính mạng vua, người dân sẽ bị đe dọa.
Vì vậy, triều Nguyễn đã cải tạo và đào khoảng 50 ao, hồ lớn nhỏ ở Kinh thành, tất cả các hồ thông qua hệ thống cống ngầm, cổng nổi và vạch ngầm vào đất rồi theo mặt bằng địa hình dồn về các hồ, hồ sẽ trở thành rốn nước của cả khu vực. Hầu hết các hồ đều có hệ thống cống thông với nhau. Vì thế nước trong các hồ sẽ được điều tiết tự nhiên dựa trên một địa hình cơ bản là địa hình dòng chảy. Nước từ các hồ nhỏ hoặc cao hơn, sau khi cân bằng với mặt nước chuẩn vốn có sẽ theo hệ thống cống chảy về các hồ lớn và thấp trước khi chảy ra sông Ngự Hà (sông được đào xuyên từ phía tây qua phía đông Kinh thành Huế, dài hơn 3km) hoặc chảy thẳng ra Hộ Thành Hà rồi đổ ra sông Hương. Ngoài ra, hai đầu cống chính phía tây (Tây Thành Thủy Quan) và phía đông (Đông Thành Thủy Quan) đều có cửa ngăn để điều tiết nước, ngăn lũ hoặc thoát lũ vào mùa mưa bão. Nhờ vào thiết kế này, nên ngày xưa Kinh thành Huế được bảo vệ vào mùa mưa lũ.
Nỗi ám ảnh của người dân Huế
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, hệ thống thủy đạo Kinh thành Huế xuống cấp trầm trọng. Theo ghi nhận, đa số các ao hồ trong Kinh thành đều bị lấn chiếm, hệ thống kè đá bảo vệ hồ xuống cấp trầm trọng. Nhiều hồ bị cắt xén, san lấp để mở đường và tạo mặt bằng cho công trình dân sinh. Các ao hồ hàng trăm năm nay chưa được nạo vét lại biến thành nơi chứa rác thải của người dân. Nhiều cống ngầm bị cây cối, người dân rào kín khiến cho hệ thống nối giữa các hồ bị tê liệt.
Nhiều hồ trong Kinh thành Huế giờ đã trở thành nỗi khiếp sợ của người dân vì ô nhiễm. Ảnh: VIẾT LONG
Bà Nguyễn Thị Hạ (70 tuổi), người dân sống ở khu vực hồ Tịnh Tâm, cho biết ngày xưa hồ này rất đẹp, diện tích mặt nước lớn. Nhờ sự lưu thông dòng chảy quanh năm nên nước trong ao hồ rất sạch: “Người dân thường ra đây lấy nước nấu ăn, giặt giũ. Chiều chiều trẻ con, người lớn xuống hồ tắm…”- chỉ tay vào hồ Tịnh Tâm, bà Hạ lắc đầu: “Giờ nhìn hồ buồn quá, nước thải sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân đổ ra khu vực này không chảy ra ngoài được nên trở thành vũng chứa nước bẩn. Mùa hè hôi thối không chịu nỗi. Còn mùa mưa người dân lãnh đủ vì nước tấp trung vào hồ gây ngập nhanh, rác bẩn bám đầy nhà cửa. Ngày xưa hồ tiện lợi cho người dân Kinh thành bao nhiêu thì giờ nó trở thành nỗi ám ảnh của người dân bấy nhiêu...”.
Cách đó không xa là hồ Sen (hay còn gọi là hồ Cây Mưng), hồ này vốn nhiều sen, nhưng giờ đã trở thành hồ… chứa rác, bèo và cỏ dại. Bà Nguyễn Thị Hành (80 tuổi), cho biết trước đây ao hồ ở khu vực này nước sâu, trong veo. Người dân quanh năm trồng sen làm cho khung cảnh đẹp và hương thơm thanh khiết. Mưa lớn những hồ này sẽ hút nước và đổ ra sông Hương hết nên lũ cũng ít ngập. Nhưng giờ hồ toàn bèo và cỏ dại mọc, mưa là nước dâng lên đến nhà. Đặc biệt ở khu vực này có nhiều chợ xép nước thải đổ thẳng xuống hồ gây hôi thối. Nhiều lúc gia đình đang ăn cơm phải bỏ đũa…”.
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, tình trạng lấn chiếm, xuống cấp và ô nhiễm môi trường ở các hồ đáng báo động. Nên việc cải tạo hệ thống mặt nước trong Kinh thành Huế rất cấp thiết. Nó không những đáp ứng cho đời sống hàng vạn người dân mà còn góp phần bảo tồn di tích và phát huy giá trị của nó vào đời sống kinh tế, xã hội địa phương.
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, thừa nhận trải qua hơn 200 năm, hệ thống thủy đạo Kinh thành Huế (gồm Hộ Thành Hà, Hộ Thành Hào, sông Ngự Hà, hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải và gần 40 hồ lớn nhỏ khác) dưới sự tác động của khí hậu, chiến tranh và quá trình phát triển dân cư mang tính tự phát, những hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ và ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận cư dân đã làm cho hệ thống thủy đạo Kinh thành Huế bị xuống cấp, bồi lấp, bị lấn chiếm, ô nhiễm môi trường nước… và ảnh hưởng đến các di tích văn hóa Huế.
Ông Thọ cho rằng, để bảo vệ di tích lịch sử Kinh thành Huế, từ đầu những năm 1990, UBND tỉnh đã triển khai nhiều dự án với nhiều nguồn vốn khác nhau nhằm mục đích bảo tồn và phát huy vai trò của hệ thống thủy đạo và vành đai di tích, bảo vệ di tích Kinh thành Huế. Cụ thể, giai đoạn năm 1994 - 1995, đã nạo vét, gia cố phục hồi hơn 3km hệ thống hồ Ngoại Kim Thủy bao quanh khu vực Đại Nội. Đã bốn lần nạo vét sông Ngự Hà (1996, 2000, 2002, 2004). Năm 2005, UBND tỉnh đã thực hiện chỉnh trang, tôn tạo sông Ngự Hà, gồm nạo vét toàn bộ sông, gia cố và phục hồi nhiều đoạn kè, giải tỏa hơn 400 hộ dân, lắp đặt điện chiếu sang và trồng cây xanh. Bên cạnh đó, hai hồ Hộ Vệ và Đô Thành Hoàng đã được nạo vét, chỉnh trang góp phần cải thiện vấn đề vệ sinh môi trường, tăng khả năng thoát nước vào mùa mưa. Đối với hai hồ Tịnh Tâm và Học Hải, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang khẩn trương lập dự án để di dời các hộ dân lấn chiếm, tu bổ và phục hồi công trình dự án, dự kiến triển khai trong năm 2015.
Theo ông Thọ, UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo UBND thành phố Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, vi phạm vệ sinh môi trường. Qua đây, UBND tỉnh kêu gọi các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sống trong khu vực Kinh thành Huế chung tay cùng với tỉnh bảo vệ môi trường, bảo vệ giá trị di sản văn hóa của nhân loại - Kinh thành Huế.
Nhà nghiên cứu, Trần Đức Anh Sơn, cho rằng cần khẩn thiết nạo vét các hồ hiện còn trong Kinh thành Huế, đảm bảo các hồ này thực sự là nơi tích nước ban đầu của mùa mưa lũ. Đồng thời tôn tạo các hồ, biến các hồ thành những cảnh quan văn hóa và là các yếu tố cân bằng môi trường sinh thái cho khu vực Kinh thành Huế. Tái lập nguyên trạng các cống lộ thiên và khơi thông các cống ngầm nối các hồ với nhau và nối các hồ với Ngự Hà. Mở các hố “ga” để ngăn chặn rác và có biện pháp xử lý sơ bộ nguồn nước thải ở các hồ… |
Những quy định chặt của triều Nguyễn Năm 1819, vua Gia Long đã ban hành 26 điều cấm để bảo vệ hệ thống thủy đạo Kinh thành Huế. Trong đó, điều 1: “thành quách, cầu đường và rãnh hào ở chung quanh thành, các quân đều chiếu theo phần đất mà canh giữ, biền binh giám thành thay nhau đi tuần xem nếu có khuyết lở thì tùy nghi tu bổ, công việc nặng lớn thì tâu lên vua”. Điều 14: “Các đường nước ở trong ngoài thành thì không được tới gần đào đất trồng cây và trồng rau cỏ cùng là vất bỏ rác bẩn”. Điều 20: “Các cầu trong ngoài thành, quân dân đều chiếu theo phần đất mà rửa quét ván cầu , mài cạo mối hà, bộ công mỗi tháng 3 kỳ sai người khám xem ở trên mặt cầu không được chất đống tạp vật, cột cầu không được buộc thuyền vào…”. Nhờ sự quản lý chặt chẽ như vậy nên sự vận hành của hệ thống thủy đạo diễn ra tốt, Kinh thành Huế tránh được nhiều đợt lũ. |