Sáng 17-4, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh (TP.HCM) bất ngờ kiểm tra cơ sở chế biến da heo phồng của bà Đinh Thị Hằng (căn nhà không số ở ấp 4, xã Tân Kiên). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận da heo tươi để dưới nền đất đọng nước, sát nhà vệ sinh dơ bẩn. Thùng ngâm da heo mặc dù có chứa ôxy già nhưng vẫn bốc mùi hôi thối. Nồi luộc da heo có nhiều “vật thể lạ” nổi lềnh bềnh, khó ngửi. Cát trong chảo chiên da heo cháy đen. Da heo thành phẩm chất đầy góc nhà trên nền đất bụi bặm.
Bà Hằng cho biết da heo được mua ở chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) với giá 29.000 đồng/kg nhưng không có giấy kiểm dịch. Về quy trình làm da heo phồng, theo bà Hằng, da heo rửa rồi ngâm trong những thùng đựng ôxy già cho trắng và sạch máu. Sau đó da heo được luộc và phơi khô độ ba ngày. Công đoạn kế tiếp là xào da heo trong chảo cát nóng để giòn, nở phồng. Cuối cùng làm sạch cát dính trên da heo rồi cho vào bịch nylon bán với giá 5.000 đồng/50 g. Mỗi ngày cơ sở này làm được 100 bịch, bỏ mối ở các chợ.
Bà Hằng không trình được bất kỳ giấy tờ liên quan như giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Làm việc với đoàn kiểm tra, bà Hằng tự nguyện tiêu hủy gần 40 kg da heo tươi. Riêng 70 kg da heo khô và da heo phồng, đoàn kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm để có cơ sở xử lý.
ThS Nguyễn Thành Công, tổ trưởng bộ môn Thực phẩm thuộc khoa Thực phẩm-Môi trường và Điều dưỡng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, cho biết da heo rất dễ biến chất và sinh mùi. Trong khi đó, ôxy già có tính sát khuẩn mạnh và ôxy hóa cao. Do vậy, ngâm da heo trong ôxy già nhằm mục đích tẩy mùi ôi thiu, làm trắng và tiêu diệt vi sinh vật. “Ôxy già được sử dụng phải là loại dùng trong thực phẩm, nếu sử dụng ôxy già công nghiệp sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng vì chứa nhiều tạp chất, gây các bệnh rối loạn đường ruột, thần kinh, niêm mạc…” - ThS Công lưu ý.