Rút kháng nghị giám đốc thẩm vì án đã được thi hành

Trước đó, tháng 5-2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận một phần yêu cầu chia thừa kế của bà L., tuyên giao cho hai chị em bà L. hơn 188 m2 nhà đất, ông C. gần 264 m2 nhà đất... Cả ba phải thanh toán lại gần 200 triệu đồng giá trị xây dựng nhà mới cho vợ chồng người con của ông C. (đang quản lý, sử dụng nhà đất tranh chấp).

Thụ lý yêu cầu thi hành án của chị em bà L., Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa không xác định được đối tượng thi hành án bởi bản án phúc thẩm không nêu rõ ai chịu trách nhiệm giao nhà đất cho chị em bà L. (ông C. hay vợ chồng người con). Tháng 9-2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã có thông báo sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm với nội dung là ông C. phải giao cho chị em bà L. hơn 188 m2 nhà đất. Vì nội dung này mâu thuẫn với thực tế (đúng ra phải buộc vợ chồng con của ông C. giao), tháng 10-2010, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa đã có công văn kiến nghị chánh án TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.

Sau hơn một năm kiến nghị nhưng không nhận được phản hồi, tháng 12-2011, Cục Thi hành án tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cưỡng chế, buộc ông C. và vợ chồng người con giao nhà đất cho phía bà L. theo bản án phúc thẩm.

Sau khi việc cưỡng chế đã được thực hiện xong, đến tháng 3-2012, chánh án TAND Tối cao mới có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm hủy hai bản án sơ, phúc thẩm để giải quyết lại theo thủ tục chung. Tháng 11-2012, chánh án TAND Tối cao đã có quyết định rút toàn bộ quyết định kháng nghị trên.

Theo chánh án TAND Tối cao, đây là vụ án tranh chấp thừa kế có nhân tố nước ngoài (gia đình bà L. còn có những người cháu thuộc diện thừa kế thế vị đang ở nước ngoài). Lẽ ra trong quá trình giải quyết, tòa các cấp phải xác minh làm rõ thời điểm những người thừa kế thế vị xuất cảnh ra nước ngoài là trước hay sau ngày 1-7-1991 để làm căn cứ xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế mới đúng. Mặt khác, nhà đất tranh chấp hiện do vợ chồng người con của ông C. quản lý, sử dụng nhưng tòa các cấp lại buộc ông C. có trách nhiệm giao chị em bà L. phần nhà đất được hưởng là không chính xác và không thể thi hành được. Do đó, kiến nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa là có cơ sở. Việc chánh án TAND Tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm là có căn cứ và cần thiết.

Tuy nhiên, sau khi có quyết định kháng nghị, phía người được thi hành án đã nhận được nhà đất theo bản án phúc thẩm. Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa cũng có công văn xin rút toàn bộ kiến nghị giám đốc thẩm vì đã thực hiện việc cưỡng chế cho phía người được thi hành án. Bà L. cũng có đơn kiến nghị rút kháng nghị… Do đó, việc xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm là không còn cần thiết.

NGỌC ĐẠI 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm