Rút kinh nghiệm cách giải quyết vụ án cho vay hơn 1 triệu USD

(PLO)- Đối với yêu cầu đòi lại tài sản (nợ gốc) thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Vừa qua, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm cách giải quyết vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng vay tài sản, giữa nguyên đơn bà L với bị đơn Công ty SG.

Nội dung vụ án

Bà L khởi kiện yêu cầu Công ty SG trả nợ gốc theo hai hợp đồng vay với số tiền 1.278.000 USD (tương đương hơn 29 tỉ đồng) và khoản trên lãi phát sinh từ nợ gốc; đồng thời Công ty SG phải tiếp tục trả lãi theo mức lãi suất 10%/năm cho đến khi trả hết số tiền nợ gốc, tiền lãi.

Bị đơn (Công ty SG) cho rằng vụ kiện này đã hết thời hiệu khởi kiện nên đề nghị tòa áp dụng thời hiệu và đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015.

Ảnh minh họa

Ngày 4-3-2024, TAND tỉnh K đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án là bà L không có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án.

Bà L kháng cáo. TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng cáo, hủy quyết định đình chỉ của TAND tỉnh K và chuyển hồ sơ vụ án cho tòa án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Ngày 12-11-2013 và ngày 4-8-2014, giữa bà L và Công ty SG ký kết hai hợp đồng vay với số tiền lần lượt là 1.000.000 đô la Mỹ tương đương hơn 21 tỉ Việt Nam đồng và 278.000 đô la Mỹ tương đương hơn 5,9 tỉ Việt Nam đồng. Thời hạn vay của cả 2 hợp đồng lần lượt là 6 tháng và 5 tháng kể từ ngày ký hợp đồng; lãi suất vay là 10%. Do phía Công ty SG không trả nợ nên bà L kiện yêu cầu bị đơn phải trả lại tiền nợ gốc và tiền lãi.

Theo vi bằng ngày 27-12-2021 do bà L cung cấp thể hiện hình ảnh nội dung các thư điện tử trao đổi qua lại giữa kế toán Công ty SG với bà L. Nội dung các thư điện tử thể hiện cam kết của Công ty SG sẽ trả nợ cho bà L sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần. Các bên trao đổi thông tin qua thư điện tử vào các ngày 15-12-2015 và ngày 5-1-2016.

Theo thỏa thuận trong hai hợp đồng vay thì thời điểm phía Công ty SG phải có nghĩa vụ thanh toán các khoản vay cho bà L là các ngày 30-6-2014 và 1-2-2015. Tuy nhiên, do phía Công ty SG khó khăn về tài chính nên thỏa thuận trả nợ cho phía bà L sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần. Theo Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của Công ty SG ngày 11-12-2019 thì quyền sở hữu chi phối của Công ty thay đổi từ ngày 11-12-2019.

Như vậy, việc bà L đồng ý với đề nghị từ phía Công ty SG về việc gia hạn trả nợ sau khi Công ty kết thúc chuyển nhượng cổ phần được xem là thỏa thuận khác trong hợp đồng. Nội dung các thư điện tử phía Công ty SG đều thừa nhận và đang gia hạn trả nợ. Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ tính hợp pháp của các tài liệu do phía nguyên đơn cung cấp làm căn cứ giải quyết vụ án.

Bởi lẽ, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 157 BLDS về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện khi "Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện. Trường hợp xác định được giữa các đương sự có trao đổi thư điện tử như nội dung thể hiện tại vi bằng thì thời hạn Công ty SG phải trả nợ cho bà L là ngày Công ty hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần (11-12-2019). Đồng thời, việc tính thời hiệu khởi kiện cũng phải được xác định kể từ ngày 12-12-2019. Theo quy định tại Điều 129 BLDS “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm".

Căn cứ quy định trên thì thời hiệu khởi kiện của vụ án này được xác định đến ngày 12-12-2022. Ngày 9-9-2020 nguyên đơn bà L khởi kiện vụ án là còn trong thời hiệu khởi kiện. Do đó, việc tòa án cấp sơ thẩm xác định đã hết thời hiệu khởi kiện 3 năm đối với các hợp đồng vay tài sản, từ đó xác định thời hiệu khởi kiện đã hết và ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là chưa đủ căn cứ.

Cạnh đó, theo khoản 2 Điều 155 BLDS thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu (trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác). Nội dung này cũng được hướng dẫn tại tiểu mục 2 Mục III Công văn số 02/2021/TANDTC-PC của TAND Tối cao về việc giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử. Cụ thể, đối với yêu cầu đòi lại tài sản (nợ gốc) thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện nên trong vụ án này, bà L vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu bị đơn trả lại tài sản vay mà không phụ thuộc vào yêu cầu áp dụng thời hiệu từ phía bị đơn.

Việc tòa án cấp sơ thẩm căn cứ yêu cầu áp dụng thời hiệu từ phía bị đơn để đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng, xâm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Do đó, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và theo đề nghị của VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, hủy quyết định đình chỉ của TAND tỉnh K và chuyển hồ sơ cho tòa án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án.

VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng thông báo đến VKSND tỉnh, thành trong khu vực tham khảo và rút kinh nghiệm khi kiểm sát giải quyết vụ án tương tự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới