Vừa qua (10-10), VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án dân sự tranh chấp di sản thừa kế và yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) giữa nguyên đơn ông H với bị đơn bà Th.
Nội dung vụ án
Theo ông H, cha mẹ ông là cụ B (chết năm 2008) và cụ T có 6 người con, trong đó có ông Q (chồng bà Th). Tài sản chung của 2 cụ có 1 nhà cấp 4 và diện tích 978m² đất.
Năm 2012, các đồng thừa kế của cụ B góp tiền xây dựng lại nhà cấp 4 để cụ T ở và làm nơi thờ cúng ông bà. Năm 2014, vợ chồng bà Th về ở với cụ T trên căn nhà mới xây. Cùng thời gian này khi chưa có ý kiến của các đồng thừa kế của cụ B nhưng UBND huyện H đã cấp đổi sổ hồng đứng tên hai cụ (cụ B và cụ T) sang tên cụ T. Năm 2019, cụ T đã tặng cho vợ chồng bà Th toàn bộ diện tích đất và tài sản trên đất.
Vì vậy, ông H khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế và yêu cầu huỷ sổ hồng đã cấp cho vợ chồng bà Th, huỷ giấy chứng nhận đã cấp cho cụ T. Ông H có nguyện vọng được chia nhà cấp 4 do các đồng thừa kế đóng góp xây dựng để tiếp tục làm nơi thờ cúng ông bà và phụng dưỡng mẹ già (cụ T).
Bà Th thì cho rằng năm 2019, cụ T lập hợp đồng tặng nhà đất cho vợ chồng bà và vợ chồng bà đã được cấp sổ. Sau khi được tặng cho tài sản, vợ chồng bà đã thế chấp cho ngân hàng để vay tiền. Bị đơn không chấp nhận khởi kiện của nguyên đơn.
Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2023, TAND tỉnh B chấp nhận khởi kiện của ông H. Ông H được quản lý, sử dụng 182,3m² nhưng ông H có nghĩa vụ trả cho cụ T hơn 103 triệu đồng (giá trị 103,7m² đất). Bà Th được sở hữu 1 nhà cấp 4 và quản lý, sử dụng 479,0m² đất nhưng bà Th có nghĩa vụ trả tiền cho bà T và các đồng thừa kế giá trị đất…
Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên huỷ sổ hồng đã cấp cho cụ T, huỷ sổ hồng cấp cho ông vợ chồng bà Th.
Sau đó, những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của chồng bà Th kháng cáo.
Xử phúc thẩm ngày 25-3-2024, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng huỷ bản án sơ thẩm giao hồ sơ về TAND tỉnh B xét xử lại.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng có 2 vấn đề cần rút kinh nghiệm.
Thứ nhất, ông H khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ B. Di sản của cụ B được xác định là ½ diện tích đất, tương ứng 550,3m² đất. Tuy nhiên, toà án sơ thẩm quyết định chia toàn bộ tài sản của cụ B và cụ T đang còn sống (cụ T chiếm hơn 50% tài sản chung giữa cụ T và cụ B do được thừa kế một phần di sản của cụ B) là vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Thứ hai, cụ T lập hợp đồng tặng cho vợ chồng con trai là vợ chồng bà Th toàn bộ thửa đất và vợ chồng bà Th được cấp sổ hồng. Tòa án sơ thẩm cho rằng, việc UBND huyện H cấp sổ hồng cho cụ T là trái pháp luật (do không có ý kiến đồng thuận của các đồng thừa kế của cụ B) nên huỷ giấy chứng nhận.
Từ đó, việc vợ chồng bà Th được cụ T tặng cho cũng trái pháp luật nên huỷ giấy chứng nhận cấp cho vợ chồng bà Th. Tuy nhiên, tòa án sơ thẩm không xem xét giải quyết hợp đồng tặng cho giữa cụ T với vợ chồng bà Th nên hợp đồng này vẫn còn hiệu lực là thiếu sót và không đúng pháp luật.