Rút kinh nghiệm một vụ án có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật

(PLO)- Cấp giám đốc thẩm cho rằng việc bị cáo chỉ có 1 tình tiết giảm nhẹ nhưng toà án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật...

Ngày 15-4, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án Nguyễn Văn Th và đồng phạm bị hủy án để điều tra lại.

Theo hồ sơ, tối ngày 25-1-2022, Th và 3 người bạn rủ nhau đến quán tại TP. T, tỉnh Q để nhậu. Tuy nhiên, thấy quán đông người nên cả nhóm không vào mà đứng trước quán. Tại đây, Th biết T đang nhậu trong quán này nên dùng điện thoại nhắn tin cho T ra nói chuyện. Sau khi T ra gặp thì cả nhóm rủ nhau góp tiền mua ma túy và tìm địa điểm để sử dụng.

Cả nhóm góp được 6,5 triệu đồng đưa Th cất giữ. Sau đó, Th sử dụng điện thoại liên hệ qua mạng xã hội mua ma túy với giá 3,5 triệu đồng, đồng thời hỏi địa điểm để sử dụng. Tiếp đó, cả nhóm đến một quán karaoke để hát karaoke và sử dụng ma túy. Tại đây, Th còn rủ 3 người nữa đến để sử dụng ma túy.

Rạng sáng ngày 26-1-2022, khi cả nhóm đang sử dụng ma túy thì bị công an kiểm tra lập biên bản bắt người phạm tội quả tang.

Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2022, Th bị phạt 5 năm tù về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; T 18 tháng tù, ba bị cáo còn lại mỗi bị cáo 15 tháng tù cùng về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Th và 1 bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt.

Tuy nhiên tại phiên toà phúc thẩm, hai bị cáo này tự nguyện rút toàn bộ kháng cáo nên TAND tỉnh Q quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.

Tháng 10-2023, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy bản án sơ thẩm và quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm để điều tra lại theo hướng không áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS khi xét xử bị cáo Th và thay đổi tội danh đối với 4 bị cáo còn lại.

Tháng 1-2024, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng nghị trên.

Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, bị cáo Th và 4 bị cáo còn lại đều thống nhất cùng góp tiền mua ma tuý và tìm địa điểm để cùng nhau sử dụng. Khi Th rủ thêm người đến cùng sử dụng số ma tuý mà các bị cáo đã cùng góp tiền mua thì được các bị cáo đồng ý, không có ý kiến gì.

Do đó, hành vi của 4 bị cáo (ngoài Th) đủ yếu tố cấu thành tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 255 BLHS. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm điều tra, truy tố, xét xử 4 bị cáo này về tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS là không đúng tội danh.

Về hình phạt, do việc điều tra, truy tố và xét xử không đúng tội danh nên mức hình phạt từ 15 tháng tù đến 18 tháng tù mà tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với 4 bị cáo là không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do các bị cáo gây ra.

Riêng đối với bị cáo Th bị kết án về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo điểm b, c khoản 2 Điều 255 BLHS có khung hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Tuy nhiên, toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS xử phạt bị cáo Th 5 năm tù (dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng) là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật vì bị cáo Th chỉ có 1 tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS. Trong khi đó khoản 1 Điều 54 BLHS quy định tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng ... khi người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS.

Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Q là không vi phạm pháp luật, nhưng do quyết định này làm phát sinh hiệu lực của bản án hình sự sơ thẩm nên cũng phải hủy để điều tra lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới