Rút kinh nghiệm vụ án lao động bị cấp giám đốc thẩm hủy án

(PLO)- Vụ án lao động, quyết định giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Vừa qua, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án lao động tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải; về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Nguyên đơn trong vụ án là ông N và bị đơn là Công ty T.

Hình minh họa.

Nội dung vụ án lao động

Tháng 9-2000, ông N được Công ty nhận vào làm việc. Sau đó, Công ty ký lại với ông hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Ngày 22-3-2022, ông N đi khám bệnh nên xin nghỉ phép từ ngày 23-3-2022 đến ngày 30-3-2022. Sau đó, ông tiếp tục bị đau nặng không thể đi lại được nên đã làm đơn xin nghỉ thêm 1 tuần. Ngày 4-4-2022, ông N có đơn xin nghỉ việc.

Ngày 11-3-2022, Công ty ban hành quyết định cho ông N nghỉ việc theo nguyện vọng từ ngày 12-3-2022 nhưng không giải quyết thanh toán trợ cấp bảo hiểm xã hội. Ngày 18-4-2022, Công ty ký quyết định kỷ luật buộc ông N thôi việc kể từ ngày 19-4-2022.

Ông N có đơn khiếu nại gửi Giám đốc Công ty nhưng không được giải quyết. Ông N đã hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp số tiền là hơn 29 triệu đồng (tương đương 12 tháng trợ cấp thất nghiệp). Ông N cho rằng quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ông là trái pháp luật.

Vì vậy, ông N khởi kiện yêu cầu tòa án buộc Công ty thanh toán cho ông trợ cấp thôi việc theo quyết định cho thôi việc theo nguyện vọng với số tiền là hơn 35 triệu đồng và thanh toán tiền công còn thiếu. Đồng thời, hủy quyết định kỷ luật và bồi thường thiệt hại cho ông do bị mất việc không có thu nhập với số tiền là 144 triệu đồng.

Trường hợp Công ty chấp nhận trả trợ cấp thôi việc cho ông thì ông rút một phần yêu cầu khởi kiện về hủy quyết định kỷ luật và bồi thường tiền mất thu nhập trong thời gian bị sa thải.

Xử sơ thẩm hồi tháng 8-2023, toà án không chấp nhận việc yêu cầu của ông N về hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc, buộc trả trợ cấp thôi việc và bồi thường thiệt hại những ngày bị mất việc làm không có thu nhập.

Công nhận sự tự nguyện thỏa thuận giữa hai bên về việc Công ty T rút lại một phần nội dung trong quyết định kỷ luật về truy thu 100% khoản tiền thưởng Tết âm lịch. Công ty có nghĩa vụ thanh toán cho ông C 11,7 ngày công lao động tương ứng với số tiền là hơn 3 triệu đồng.

Ông N sau đó kháng cáo. Xử phúc thẩm tháng 4-2024, HĐXX tuyên sửa toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông N. Hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc, Công ty T có nghĩa vụ thanh toán cho ông N hơn 236 triệu đồng

Sau đó, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm.

Ngày 28-9-2024, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành quyết định giám đốc thẩm chấp nhận toàn bộ quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, ngày 31-12-2019, ông N được tái ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Ngày 23-3-2022, ông N làm đơn xin nghỉ phép, thời gian xin nghỉ phép từ ngày 23-3-2022 đến ngày 30-3-2022 với lý do bị bệnh nhưng không có tài liệu chứng cứ kèm theo. Từ ngày 31-3-2022 đến ngày 3-4-2022, ông N bỏ việc nghỉ tự do.

Ngày 4-4-2022, ông N gửi đơn xin nghỉ việc và bỏ nghỉ luôn. Như vậy, khi ông N có đơn xin nghỉ việc và nghỉ luôn là vi phạm thời gian báo trước theo điểm a khoản 1 Điều 35 BLLĐ năm 2019.

Ông N bị bệnh là có lý do chính đáng và việc ông xin nghỉ theo nguyện vọng đã được Phó giám đốc Công ty đồng ý nên ông N được hưởng tiền trợ cấp thôi việc theo quy định. Tuy nhiên, toà án cấp phúc thẩm buộc Công ty có nghĩa vụ thanh toán cho ông N hơn 90 triệu đồng trợ cấp thôi việc là không đúng. Vì theo Điều 46 BLLĐ, Điều 8 Nghị định 145/2020 (hướng dẫn trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc) thì ông N chỉ được hưởng trợ cấp thôi việc từ tháng 9-2000 đến tháng 12-2008, còn từ tháng 1-2009 đến tháng 3-2022 ông đã hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Toà án cấp sơ thẩm không chấp nhận việc khởi kiện của ông N yêu cầu hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ông N, buộc trợ cấp thôi việc và bồi thường thiệt hại những ngày bị mất việc làm không có thu nhập; công nhận sự tự nguyện thỏa thuận giữa hai bên là có căn cứ, đúng quy định.

Vụ án này, tại phiên tòa phúc thẩm, quan điểm của VKSND tỉnh B không được HĐXX phúc thẩm chấp nhận. Sau khi xét xử phúc thẩm, VKSND tỉnh B đã kịp thời thông báo đến VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm nên cần tiếp tục phát huy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới