Theo quy định trước đây, khách hàng (cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức…) không được rút một phần tiền gửi mà phải rút hết toàn bộ sổ tiết kiệm và chịu lãi suất tối đa bằng lãi không kỳ hạn. Điều này khiến người gửi tiền chịu nhiều thiệt thòi vì gần như mất trắng lãi suất nếu rút sớm trước hạn.
Tuy nhiên, theo Thông tư 04/2022 của Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành, từ ngày 1-8-2022, rút tiết kiệm trước hạn một phần vẫn được hưởng lãi suất hấp dẫn.
Nhiều ngân hàng bắt đầu cho phép khách hàng được rút một phần tiền gửi trước hạn. Ảnh: TL |
Người gửi tiền có lợi
Thông tư mới nêu rõ: Người gửi tiền rút trước hạn toàn bộ sổ tiết kiệm thì phải chịu mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp (thường không quá 0,1%-0,2%/năm) như trước đây, nói cách khác gần như mất trắng tiền lãi. Nhưng nếu khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi có kỳ hạn thì chỉ phần rút trước hạn chịu lãi suất không kỳ hạn, phần tiền gửi còn lại được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng.
Điều này có nghĩa là so với quy định cũ, cách tính lãi khi rút trước hạn một phần khoản tiền gửi giúp người gửi tiền có lợi hơn. Ví dụ, một khách hàng gửi 1 tỉ đồng tiết kiệm tại ngân hàng, kỳ hạn một năm, lãi suất 6%/năm. Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn là 0,1%/năm. Nhưng do có việc đột xuất, khách hàng rút sổ trước hạn với số tiền 500 triệu đồng thì theo quy định mới, khoản tiền 500 triệu đồng này sẽ được tính lãi không kỳ hạn 0,1%/năm. Khoản tiền gửi còn lại 500 triệu đồng vẫn được tính lãi suất 6%/năm.
Ông Nguyễn Văn Tư, nhà ở quận 2, TP.HCM, chia sẻ: Trước đây, mỗi khi gửi tiết kiệm, ông thường phải chia nhỏ khoản tiền, gửi thành nhiều sổ vì sợ có việc cần dùng phải rút hết toàn bộ tiền, mất lãi nhiều. Nhưng từ nay ngân hàng cho rút một phần tiền trong sổ, vợ chồng ông chỉ cần gửi một sổ tiết kiệm duy nhất, vừa dễ theo dõi mà phần tiền chưa rút vẫn được hưởng lãi suất ban đầu. “Như vậy rất tiện, có lợi cho khách hàng” - ông Tư bày tỏ.
Giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và sát hạch lái xe cho biết: Có thời điểm dòng tiền nhàn rỗi của công ty lên tới vài chục tỉ đồng. Những lúc như vậy, kênh tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng là lựa chọn hàng đầu cho công ty. Tuy nhiên, khi chưa có Thông tư 04/2022, việc rút tiền trước hạn là vô cùng thiệt thòi.
Dẫn chứng cho điều này, vị giám đốc kể: Hồi đầu năm nay, công ty gửi tại một ngân hàng số tiền 75 tỉ đồng, kỳ hạn một tháng, lãi suất 3,5%/năm, tính ra mỗi tháng tiền lãi khoảng 220 triệu đồng. Thế nhưng, do có việc cần tiền gấp buộc công ty phải rút một phần tiền gửi nên toàn bộ số tiền gửi quay về mức lãi suất không kỳ hạn 0,1%/năm, tương đương tiền lãi từ mức 220 triệu đồng/tháng rơi thẳng xuống chỉ còn gần 19 triệu đồng/tháng.
“Như vậy, bỗng nhiên chúng tôi “bay mất” khoản tiền lãi lên đến gần 200 triệu đồng. Đây là số tiền lớn, bởi nó có thể dùng để chi trả lương cho 15-20 nhân viên, tùy theo vị trí công việc. Thậm chí có thời điểm, dòng tiền nhàn rỗi của công ty trong vòng 1-2 tháng lên tới vài trăm tỉ đồng nên số tiền bị “mất oan” do rút trước hạn còn lớn hơn nhiều. Từ nay, với quy định mới về rút một phần tiền gửi trước hạn được áp dụng sẽ giúp chúng tôi hưởng tối đa lãi suất, đồng thời tạo sự chủ động trong việc hoạch định tài chính cho công ty” - vị lãnh đạo công ty nói.
Cách tính lãi khi rút trước hạn một phần khoản tiền gửi giúp quyền lợi của khách hàng được bảo đảm tốt hơn.
Nâng cao quản trị rủi ro, thêm sản phẩm
Ngay khi Thông tư 04/2022 có hiệu lực, hàng loạt ngân hàng đã ra thông báo về việc cho khách hàng được rút trước hạn. Mới đây nhất, Ngân hàng SHB chính thức ra mắt tính năng rút gốc một phần tiền gửi trước hạn đối với các sản phẩm tiết kiệm bậc thang và hợp đồng tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân với phương thức trả lãi cuối kỳ.
Cụ thể, phần tiền gửi rút trước hạn được áp dụng mức lãi suất không kỳ hạn theo quy định. Lãi suất sẽ do SHB áp dụng theo từng loại tiền tệ tại thời điểm rút và tính trên số ngày thực gửi của khoản tiền. Đặc biệt, số lần rút không giới hạn, phần số dư duy trì đến ngày đáo hạn sẽ tiếp tục được hưởng lãi suất như cam kết tại thời điểm khách hàng tham gia.
Nhiều ngân hàng khác như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, SCB, VietABank, Vietbank… cũng đồng loạt áp dụng quy định mới tại Thông tư 04/2022.
Nhiều ngân hàng đánh giá Thông tư 04/2022 không chỉ đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền mà bản thân các ngân hàng cũng hưởng lợi. Ví dụ, các ngân hàng sẽ hút được nguồn tiền gửi trung, dài hạn từ khách hàng. Lý do, thông tư mới sẽ khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm nhiều và dài hạn hơn. Đặc biệt, người gửi tiền có thể tối đa hóa lợi nhuận từ nguồn vốn nhàn rỗi cũng như bớt thiệt hơn trong trường hợp cần vốn đột xuất phải rút tiền gửi trước hạn.
Tuy vậy, phó tổng giám đốc một ngân hàng quốc doanh nêu quan điểm: Quy định mới giúp người gửi tiền được hưởng lợi nhưng khi nguồn vốn huy động được rút linh động trước hạn nhiều có thể dẫn tới nguồn tiền gửi tiết kiệm bị mất tính ổn định và đôi khi sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của ngân hàng. Để tránh rủi ro về thanh khoản thì ngân hàng có thể phải tăng dự trữ an toàn vốn đối với các sản phẩm có tính linh hoạt cao và điều này đồng nghĩa với việc khiến chi phí vốn của các ngân hàng trở nên đắt đỏ hơn so với trước đây.
“Để khắc phục tình trạng trên và đảm bảo tính ổn định thanh khoản, các ngân hàng phải nâng cao quản trị rủi ro, đồng thời cần có thêm nhiều sản phẩm để khách hàng chọn lựa. Chẳng hạn đầu tư trái phiếu, vì với kênh này khách hàng không được rút trước hạn nhưng đổi lại họ sẽ được nhận mức lãi suất cao hơn so với sản phẩm tiền gửi được rút trước hạn linh hoạt” - vị phó tổng giám đốc ngân hàng cho biết.•
Tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng mạnh
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho thấy tính đến cuối tháng 5-2022, tổng số dư tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt gần 5,569 triệu tỉ đồng, tăng 5,07% so với cuối năm trước. Trong khi đó, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt khoảng 5,806 triệu tỉ đồng, tăng 2,86% so với cuối năm 2021.
Nguyên nhân khiến dòng tiền của người dân chảy mạnh vào kênh ngân hàng chủ yếu do lãi suất tiền gửi tăng mạnh. Trong đó, một số ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi lên mức trên dưới 2%, đưa lãi suất tiền gửi vượt mức hơn 7%/năm.
Chẳng hạn, với kỳ hạn 6-9 tháng, lãi suất tiền gửi dao động trung bình quanh mức 4,5%-7,3%/năm. Với kỳ hạn một năm, lãi suất tiền gửi dao động 5,5%-7,5%/năm.