Rút yêu cầu khởi tố: Không có gì tranh cãi!

Bài viết “Rút yêu cầu khởi tố: Nhiều tình huống tranh cãi” (Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 5-4) dẫn quan điểm của một số chuyên gia pháp luật cho thấy có sự tranh cãi về việc người bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa, rút yêu cầu khởi tố đối với một trong nhiều bị can... Tuy nhiên, theo tôi, việc rút yêu cầu khởi tố không có gì tranh cãi!

Chỉ xem là tình tiết giảm nhẹ

Với tình huống mà bài báo đặt ra: Anh A yêu cầu xử lý hình sự B và C vì đánh anh gây thương tích (thuộc trường hợp ở khoản 1 Điều 104 BLHS). Cơ quan điều tra đã khởi tố cả B lẫn C. Trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm, anh A bãi nại và xin rút yêu cầu khởi tố đối với B. Gặp trường hợp này, cơ quan tố tụng phải làm thế nào?

Có chuyên gia đã bảo người bị hại tha thứ và bãi nại cho một bị can nào đó thì họ được quyền rút yêu cầu khởi tố đối với bị can đó. Những bị can còn lại vẫn phải bị điều tra, truy tố, xét xử bình thường. Người khác thì nói dù anh A chỉ làm đơn bãi nại và xin rút yêu cầu khởi tố đối với riêng B thì cơ quan tố tụng cũng phải đình chỉ giải quyết cả vụ án, đình chỉ điều tra cả B lẫn C.

Theo tôi, khi xem xét Điều 105 BLTTHS (Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại) phải hiểu luật quy định khởi tố vụ án khi có yêu cầu và khi làm rõ bị can nào thì khởi tố bị can đó, không cần biết người bị hại có yêu cầu khởi tố bị can cụ thể nào không.

Về rút yêu cầu khởi tố, theo khoản 2 Điều 105 BLTTHS, người bị hại rút yêu cầu khởi tố thì vụ án phải được đình chỉ. Điều luật không nói rõ rút yêu cầu khởi tố vụ án hay rút yêu cầu khởi tố bị can. Tuy nhiên, liên hệ với tiêu đề Điều 105 thì ta phải hiểu là rút yêu cầu khởi tố vụ án.

Rút yêu cầu khởi tố: Không có gì tranh cãi! ảnh 1

Luật không quy định người bị hại rút yêu cầu tại phiên tòa thì vụ án phải đình chỉ. Ảnh minh họa: HTD

Như vậy, trường hợp người bị hại làm đơn rút yêu cầu khởi tố hoặc bãi nại cho một bị can thì việc rút yêu cầu này không thuộc trường hợp rút yêu cầu khởi tố theo khoản 2 Điều 105 BLTTHS. Tức vụ án phải tiếp tục được truy tố, xét xử. Việc rút yêu cầu khởi tố bị can này chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ cho bị can. Chỉ khi nào người bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án thì vụ án mới được đình chỉ.

Khi gặp tình huống này, cán bộ nhận đơn phải giải thích cho người bị hại hiểu nếu họ rút yêu cầu khởi tố một số bị can, còn lại một số bị can thì tất cả bị can đều phải bị truy tố, xét xử để họ quyết định là rút yêu cầu khởi tố vụ án hay vẫn giữ nguyên đơn xin rút yêu cầu.

Rút tại phiên tòa: Không được đình chỉ

Vấn đề người bị hại rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên tòa nhưng sau ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì thẩm quyền đình chỉ vụ án như thế nào, có phải vẫn mở phiên tòa hay không.

Theo Điều 180 BLTTHS, “Thẩm phán ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 Bộ luật này”. Điều luật này được quy định sau Điều 176 (về quyết định đưa vụ án ra xét xử) nên đã thể hiện rất rõ thẩm quyền đình chỉ vụ án trước khi mở phiên tòa và luật không quy định phải mở phiên tòa để xét đơn rút yêu cầu khởi tố.

Còn trường hợp Đoàn Thành Hậu bị truy tố về tội cố ý gây thương tích, tại phiên xử của TAND TP Nha Trang, người bị hại rút yêu cầu khởi tố nên kiểm sát viên cũng rút toàn bộ quyết định truy tố đối với bị cáo. Vì vậy, tòa đã ra quyết định đình chỉ vụ án... Tôi cho rằng cấp phúc thẩm hủy án là có cơ sở. Kiểm sát viên không thể căn cứ vào việc người bị hại rút yêu cầu tại phiên tòa để rút quyết định truy tố và tòa án cấp sơ thẩm cũng không thể chấp nhận đình chỉ vụ án vì không đúng quy định của BLTTHS. Luật không quy định người bị hại rút yêu cầu tại phiên tòa thì vụ án phải đình chỉ...

* * *

Tôi cho rằng chúng ta cần thống nhất nhận thức các cơ quan tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng (kể cả luật sư) khi giải quyết vụ án đều phải dựa vào các quy định hiện hành của pháp luật để vận dụng cho đúng và linh hoạt. Khi vận dụng phải liên hệ các quy định của pháp luật, không nên chăm chú vào một vài điều luật. Có những quy định của pháp luật cần phải có hướng dẫn nhưng có những quy định không cần hướng dẫn mà ta vẫn áp dụng được. Trở lại vấn đề trên, BLTTHS đã quy định rõ việc người bị hại rút yêu cầu và hướng giải quyết rất rõ ràng, không cần phải có hướng dẫn.

Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại

1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104 (Tội cố ý gây thương tích...), 111 (Tội hiếp dâm)... của BLHS chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.

Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, cơ quan điều tra, VKS, tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

(Trích Điều 105 BLTTHS)

Luật sư NGUYỄN VĂN DŨ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm