Chương trình GDPT mới sẽ được chính thức áp dụng từ năm học 2020-2021 với lớp 1 thay vì năm 2019-2020 như dự kiến.
Trươc đó, ngày 26-12, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết Bộ trường Bộ GD&ĐT đã ban hành chương trình GDPT mới kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.
Học sinh TP.HCM chọn mua sách giáo khoa. Ảnh minh họa: NQ
Thông tư nêu rõ về lộ trình áp dụng chương trình mới như sau: Năm học 2020 – 2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2020 với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2021 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Ông Chuẩn cho biết thêm, chương trình các môn học ở chương trình GDPT sẽ có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành.
Trong đó, có một hoạt động giáo dục bắt buộc xuyên suốt tất cả các cấp học là hoạt động trải nghiệm. Chương trình GDPT mới cũng được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Giáo dục cấp tiểu học gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Ngoại ngữ 1 (lớp 3, 4, 5), Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, 2, 3), Lịch sử và Địa lý (lớp 4 và 5), Khoa học (lớp 4, 5)m Tin học và Công nghệ (lớp 3, 4, 5), Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm. Hai môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (lớp 1, 2). Thời lượng 2 buổi/ngày, mỗi buổi không quá 7 tiết, mỗi tiết không quá 35 phút.
Nội dung giáo dục THCS gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2. Thời lượng giáo dục một buổi/ngày, mỗi buổi không quá 5 tiết, mỗi tiết học 45 phút.
Nội dung giáo dục THPT gồm 7 môn học và hoạt động bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Cấp THPT có năm môn học lựa chọn từ ba nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Nhóm khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Thời lượng giáo dục một buổi/ngày, mỗi buổi không quá 5 tiết, mỗi tiết 45 phút.