Sách trắng Nhật tố trực tiếp Trung Quốc

Ngày 21-7, tại cuộc họp nội các, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani đã trình Sách trắng quốc phòng thường niên do Bộ Quốc phòng soạn thảo. Sách trắng dày 429 trang trình bày các quan điểm quốc phòng của Nhật và xác định các mối đe dọa đối với an ninh Nhật.

Công bố ảnh đá Chữ Thập

Reuters ghi nhận ngoài các đánh giá về chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên, trong Sách trắng quốc phòng năm nay, Nhật đã lên án trực tiếp Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo trên biển Đông để xây dựng căn cứ quân sự cùng hoạt động xây dựng giàn khoan và khoan khai thác dầu khí trên biển Hoa Đông.

Đối với biển Đông, đây là lần đầu tiên Sách trắng quốc phòng Nhật công bố hình ảnh vệ tinh về các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp.

Sách trắng xác định trong 18 tháng qua, Trung Quốc đã bồi đắp thêm 800 ha tại bảy đá ngầm ở biển Đông và tiến hành chính sách hiếu chiến đối với các nước láng giềng qua động thái xây dựng căn cứ quân sự trên đá Chữ Thập.

Đối với biển Hoa Đông, Sách trắng yêu cầu Trung Quốc ngừng xây dựng các giàn khoan và khoan khai thác dầu khí (đã khởi động thi công cách đây hai năm). Bộ Quốc phòng Nhật lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng các giàn khoan như đài radar cảnh giới.

Công ty Digital Globe (Mỹ) công bố ảnh vệ tinh mới nhất chụp đá Chữ Thập ngày 13-7.

Sách trắng cũng tố cáo số tàu Trung Quốc tuần tra ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư tiếp tục gia tăng. Tháng 2-2015, ba tàu 3.000 tấn của Trung Quốc đã lần đầu tiên xâm nhập vào vùng biển này.

Cuối cùng Sách trắng tiếp tục yêu cầu Trung Quốc minh bạch về ngân sách quốc phòng và ủng hộ một cơ chế thông tin khẩn cấp để ngăn chặn va chạm trên biển.

Nhật ủng hộ đồng minh Mỹ

Tuần báo quốc phòng Defense News (Mỹ) dẫn lời ông Trang Kiến Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc gia (ĐH Giao thông Thượng Hải), cho rằng Trung Quốc có xây dựng trên các đá ngầm thì cũng không liên quan đến an ninh Nhật và Nhật cũng không phải là nước tranh chấp hay láng giềng với Trung Quốc ở biển Đông, vậy Nhật xen vào khu vực này làm gì?

Tuy nhiên, Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á hiện đại (ĐH Temple) Robert Dujarrac giải thích: Nhật dựa vào Mỹ về quốc phòng và Nhật là một phần trong phương trình Nhật-Mỹ nên Nhật không thể đứng sang một bên trong vấn đề biển Đông.

Các chuyên gia đều nhận thấy Nhật đã có động thái trực tiếp chứng tỏ có thay đổi sâu sắc trong quan điểm, thái độ và phản ứng đối với biển Đông.

Chuyên gia Juin Okumura ở Viện nghiên cứu Minh Trị (Nhật) nhận định động thái của Nhật hiện nay là “một thái độ bình thường mới” về an ninh trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách diễu võ giương oai trong khu vực.

GS Christopher Hughes ở ĐH Warwick (Anh) nhận định nếu Nhật đã chọn lời lẽ gọi Trung Quốc là gây hấn để đưa vào Sách trắng quốc phòng lần này thì đây là phản ứng kế tiếp sau khi đã từng chỉ trích Trung Quốc cố thay đổi nguyên trạng trong Sách trắng năm ngoái.

Ông ghi nhận: “Lợi ích an ninh của Nhật rõ ràng đã mở rộng sang biển Đông. Đây là khu vực Nhật có thể tham gia trong kịch bản quyền phòng vệ tập thể nhằm ủng hộ Mỹ bảo vệ tự do hàng hải, đó chính là bảo vệ an ninh riêng của Nhật vậy”.

Giám đốc Các chương trình an ninh châu Á (Hội đồng Đối ngoại Mỹ) Jeff Smith nhận định: “Tôi nhận thấy trong những tháng qua đã có gia tăng đáng kể các lợi ích và hoạt động của Nhật ở biển Đông”. Các bằng chứng như trong năm nay, lực lượng phòng vệ Nhật sẽ tham gia tập trận chung với Mỹ và Úc ở Úc, tham gia tập trận hải quân với Mỹ và Ấn Độ trong cuộc tập trận Malabar. Nhật và Philippines đang đàm phán thỏa thuận cho phép Nhật sử dụng các căn cứ quân sự Philippines. Nhật cũng đã phát biểu có thể cùng Mỹ tuần tra trên biển Đông.

Đặc biệt về các vấn đề hàng hải, Trung Quốc tiếp tục hành động theo cách độc đoán, bao gồm các ý đồ cưỡng bức thay đổi nguyên trạng.

Sách trắng quốc phòng Nhật

___________________________________________

Những lời lên án của Nhật trong Sách trắng quốc phòng tương đối mới, táo bạo và đây là hành động thách thức trực tiếp hơn nữa đối với chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc.

Tuần báo Defense news (Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm