Samsung: Doanh nghiệp Việt đừng quá tham vọng

Các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ của Việt Nam không nên tham vọng làm vendor (nhà cung ứng) cấp 1 của Samsung mà trước tiên hãy làm vendor cấp 2, cấp 3.

Đây là chia sẻ của ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, tại tọa đàm 30 năm lan tỏa vốn FDI do Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) và Bộ KH&ĐT tổ chức chiều 6-10.

Ông Bang Hyun Woo cho rằng các DN vừa và nhỏ của Việt Nam không nên tham vọng làm vendor cấp 1 của Samsung mà trước tiên hãy làm vendor cấp 2, cấp 3.

"Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, chất lượng thì DN sẽ có đủ tự tin hơn để trở thành vendor cấp 1 của Samsung" - ông Bang Hyun Woo nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá trong cơ cấu GDP, đóng góp của FDI rất lớn, tuy nhiên đóng góp cao không có nghĩa là khu vực này sẽ lan tỏa vào độ sâu của nền kinh tế.

Theo bà Tuệ Anh, vấn đề là làm sao để DN Việt Nam lớn lên thì sẽ giảm được khoảng cách về công nghệ với các DN lớn và tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI.

Ở góc độ chính sách, các DN phải chủ động nhưng nếu DN quá nhỏ thì cần có bàn tay của Nhà nước. Cần phải có liên kết giữa các cơ quan quản lý chính sách và có chính sách liên kết vùng.

“Chính sách FDI hiện chưa làm tốt vai trò tạo liên kết giữa DN FDI với DN trong nước. Do đó cần xây dựng khung chính sách FDI, trong đó cần coi nhiệm vụ tăng năng lực của khu vực DN trong nước, đặc biệt DN tư nhân là một cấu thành quan trọng của chính sách FDI.

Thu hút FDI cuối cùng là cần hướng đến làm tăng năng lực cạnh tranh của DN trong nước để khu vực này có thể kết nối được với khu vực FDI, qua đó tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu” - đại diện CIEM chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn nhận cách đây 10 năm, 10 đồng xuất khẩu của Việt Nam thì 5 đồng thuộc về DN FDI nhưng đến nay con số này là 7,5 đồng.

Một lý do khiến lan tỏa từ khu vực FDI sang DN tư nhân thấp là do trước đây có nhiều mô hình liên doanh giữa FDI và tư nhân, hiện nay thì gần như toàn bộ là DN 100% vốn đầu tư nước ngoài. DN FDI tại Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu tốt hơn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI.

Theo ông Tuấn, một yếu tố hàng đầu, quan trọng nhất khiến các DN nước ngoài chọn Việt Nam vì nước ta là nước có chi phí rẻ. Trong 10 yếu tố hấp dẫn hàng đầu không có yếu tố nào về chất lượng điều hành, chỉ toàn là chi phí rẻ.

Nhưng yếu tố chi phí rẻ này sẽ dần mất đi khi chi phí lương tăng lên, đất đai không còn quá sẵn, hết dần, môi trường bị siết chặt lại...

"Yếu tố hấp dẫn của Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài vẫn là chi phí nhưng với những thay đổi trong những năm vừa rồi, với lương cơ bản được điều chỉnh tăng, chất lượng nhân lực... thì liệu Việt Nam có còn là một điểm đến hấp dẫn hay không? Còn về điểm yếu, Việt Nam có một số điểm yếu bao gồm tham nhũng, chất lượng dịch vụ công, hạ tầng còn thấp" - ông Tuấn lo ngại.

Ông Tuấn dẫn chứng qua thực tế cho thấy các DN FDI chỉ mua khoảng 26,6% thiết bị, đầu vào từ DN Việt, còn lại là nhập khẩu và nhập từ công ty mẹ. Sự liên kết giữa DN FDI và trong nước rất khiêm tốn. Dù có chuyển động nhưng rất chậm chạp. Đáng nói là những DN có giá trị gia tăng cao kết nối với DN trong nước ngày càng hạn chế.

Vậy điều gì cản trở? Ông Tuấn cho rằng sự liên kết còn yếu do ba yếu tố. Một là chất lượng nhân lực chưa đáp ứng. Hai là trình độ công nghệ và khả năng hấp thụ công nghệ. Ba là  khoảng cách địa lý ảnh hưởng rất lớn.

             

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm