Từ 00 giờ ngày 1-2, sân bay Tân Sơn Nhất chính thức áp dụng mô hình phối hợp ra quyết định tại cảng hàng không sân bay (A-CDM), sau khi được nhà chức trách hàng không Việt Nam chấp thuận.
Cùng thời điểm, sân bay Nội Bài cũng chính thức triển khai áp dụng mô hình này.
Đại diện sân bay Tân Sơn Nhất nhận xét đây là một cột mốc rất quan trọng, đánh dấu thành công sau ba năm nỗ lực của sân bay Tân Sơn Nhất và các hãng hàng không, đơn vị tham gia.
“Đây là cột mốc đánh dấu sân bay Tân Sơn Nhất trở thành sân bay phối hợp ra quyết định (A-CDM) trên bản đồ sân bay trong khu vực và trên thế giới” - vị đại diện chia sẻ.
Tân Sơn Nhất là sân bay cửa ngõ khu vực phía Nam, có tần suất cất hạ cánh cao nhất cả nước (xấp xỉ 260.000 lượt cất hạ cánh). Sản lượng khách thông qua cảng đến cuối 2023 đạt 42 triệu lượt, gấp rưỡi so với công suất khai thác thiết kế, quá tải về hạ tầng và năng lực khai thác.
Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật hiện hữu cũng chưa đồng bộ, các hệ thống thông tin chuyến bay được các bên liên quan tự phát triển nội bộ dẫn đến việc chia sẻ thông tin giữa các đơn vị gặp khó khăn.
Ngoài ra, hệ thống điều hành bay ATM tại khu vực phía nam cũng chưa được trang bị hệ thống AMAN/DMAN (hệ thống quản lý máy bay đến và máy bay khởi hành) dẫn đến việc sắp xếp lập kế hoạch thứ tự đến đi tại sân bay chưa được thực hiện. Như vậy, máy bay khởi hành chỉ tuân theo phương thức đến trước phục vụ trước.
Mô hình A-CDM là xu thế chung của các sân bay lớn trên thế giới. Tại châu Âu đã có 32 sân bay triển khai thành công (Amsterdam, Barcelona, Berlin, Brussels, Frankfurt, Geneva, London Heathrow, Munich, Naples, Paris CDG…) và tám sân bay đang thử nghiệm triển khai.
Tại châu Á có khoảng 19 sân bay triển khai mô hình A-CDM thành công như Changi (Singapore), Incheon (Hàn Quốc), Thượng Hải, Bắc Kinh, Hong Kong (Trung Quốc), Suvarnabhumi (Thái Lan)...
A-CDM là quy trình đã thống nhất giữa các đơn vị điều hành khai thác tại sân bay. A-CDM cung cấp nền tảng để các đơn vị phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác ra quyết định tại sân bay nhằm mục tiêu quản lý tắc nghẽn tại sân bay, tăng hiệu quả lập kế hoạch khai thác, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực tại sân bay, nâng cao khả năng dự báo và nâng cao tính đúng giờ của chuyến bay.
Giảm thiểu lãng phí sử dụng slot giờ cất hạ cánh và quản lý luồng không lưu. Giảm thiểu ùn tắc trên sân đỗ và đường lăn. Giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu do việc giảm thời gian lăn. Từ đó, hạn chế ảnh hưởng tác động môi trường, giảm tiếng ồn và khí thải CO2 trong khu vực sân bay.