Mấy ngày qua, dư luận quan tâm thông tin anh Võ Văn Minh (Cái Bè, Tiền Giang) bị tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản của Công ty Tân Hiệp Phát. Trước đó, anh Minh đã yêu cầu công ty phải đưa 500 triệu đồng, nếu không anh sẽ cung cấp cho báo chí và in tờ rơi phát tán việc trong một chai nước giải khát của công ty có ruồi.
Qua việc này, nhiều bạn đọc thắc mắc nếu gặp trường hợp tương tự, người dân phải làm thế nào cho đúng quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi của mình.
Không đe dọa
Luật sư Ngô Đình Hoàng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết cách tốt nhất là khi phát hiện vụ việc, khách hàng báo ngay cho Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhờ cơ quan này làm sáng tỏ bản chất vụ việc để góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng nói chung.
Còn trường hợp người tiêu dùng đã gọi điện thoại báo cho công ty và công ty cử người đến làm việc thì cần mời người làm chứng cho việc trao đổi, thỏa thuận giữa hai bên. Yêu cầu bồi thường của người dân phải dựa trên các thiệt hại thực tế. Không được yêu cầu bồi thường quá cao so với giá trị thật của sản phẩm trên thị trường và đương nhiên là không được hù dọa. Nội dung thỏa thuận phải đúng pháp luật. Không thể thỏa thuận “mua sự im lặng” mà phải thỏa thuận theo hướng “bàn giao chứng cứ để đưa đi giám định, xác định nguyên nhân lỗi”. Hình thức thỏa thuận phải bằng văn bản, địa điểm công khai (tại trụ sở công ty, tại trụ sở chính quyền). Không nên chọn các địa điểm như quán nước… vừa không nghiêm túc, vừa dễ bị gài bẫy.
Khách hàng còn có quyền cung cấp thông tin đến báo chí để xác minh thực tế vụ việc. Việc làm này không phải hù dọa bởi báo chí không phải tổ chức có quyền lực để đe dọa…
Không có hành động để chiếm đoạt tài sản
Luật sư Hoàng phân tích thêm: Để yên tâm là mình đang làm đúng pháp luật, khách hàng phải chắc chắn rằng mình không có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực, có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác. Nghĩa là khách hàng không được có hành vi đe dọa sẽ gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín bằng bất cứ thủ đoạn nào nếu người bị uy hiếp không thỏa mãn yêu cầu về tài sản của họ. Ví dụ khách hàng không được thực hiện những hành vi như đe họa hủy hoại tài sản của người bị đe dọa; đe dọa tố giác hành vi phạm pháp hoặc vi phạm đạo đức của người bị đe dọa; đe dọa công bố những tin tức thuộc đời tư mà người bị đe dọa muốn giữ kín…
Luật sư Đinh Văn Lương (Đoàn Luật sư TP.HCM) đồng tình với quan điểm của luật sư Hoàng và cho biết thêm: Mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc để định tội danh này. Do đó, nếu khách hàng không có mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc không có hành vi đòi tiền, không có những hành động tiêu cực đối với công ty thì họ cứ yên tâm là mình đang làm đúng pháp luật.
Thương lượng hoặc khởi kiện
Luật sư Đặng Thành Trí (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Những vụ việc như “ruồi, gián trong thức ăn, nước uống” không phải hiếm ở Việt Nam và trên thế giới. Và chúng ta thấy trên thế giới có không ít trường hợp nhà sản xuất phải bồi thường cho người tiêu dùng một số tiền rất lớn để bù đắp “tổn thất tinh thần” khi vụ việc được đưa ra giải quyết tại các cơ quan pháp luật. Còn việc “đe dọa” nhà sản xuất luôn là một nguy cơ pháp lý với hậu quả rất nghiêm trọng.
Quy định hiện hành vẫn cho phép các bên thương lượng để giải quyết vấn đề. Theo Điều 30, 31 và 32 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền thương lượng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (gọi tắt là nhà sản xuất). Thương lượng là một trong nhiều phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất. Người tiêu dùng có quyền gửi yêu cầu đến nhà sản xuất để thương lượng khi cho rằng quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm phạm. Nhà sản xuất có trách nhiệm tiếp nhận, thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Kết quả thương lượng thành được lập thành văn bản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác...
Bổ sung vấn đề này, luật sư Ngô Đình Hoàng cho biết người dân không nên thương lượng bằng cách ngã giá, đe dọa, gây áp lực với nhà sản xuất vì có thể gió đổi chiều, bị gài bẫy ngược lại thành vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, theo các luật sư, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, trong trường hợp này người dân có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần (nếu có).
Được xin lỗi vì ăn phải kem có ốc vít Đó là trường hợp ông Nguyễn Trương Tín (quận 9, TP.HCM). Ngày 17-2-2013, con ông Tín cắn vào đầu cây kem mới mua thì thấy tê buốt răng. Kem tan chảy, ông mới phát hiện trong kem có một con ốc vít. Ban đầu phía nhà sản xuất nói “đổi cho khách mấy cây kem khác là được”. Ông rất bức xúc trước phản hồi này và yêu cầu công ty xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại. Sau khi quay phim, chụp ảnh làm chứng cứ, ông đã đưa dị vật cho nhà hàng để trao lại cho nhà sản xuất. Tuy nhiên, yêu cầu của ông Tín không được đáp ứng. Do vậy ông đã gửi văn bản yêu cầu công ty thu hồi toàn bộ sản phẩm, cảnh báo trên toàn quốc, yêu cầu các đại lý nộp hết sản phẩm đó cho cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý. Nếu công ty làm trái quy định về việc xử lý hàng hóa có khuyết tật và không đạt chất lượng theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật An toàn thực phẩm thì ông sẽ khởi kiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng và cảnh báo chung. Hơn một tháng khiếu nại, ngày 20-3-2013 ông Tín đã được lãnh đạo công ty đến nhà trao thư xin lỗi và bày tỏ sự biết ơn vì đã phản ánh sự việc. |