Ngày 27-11, Cục Sở hữu trí tuệ văn phòng đại diện tại TP.HCM và Công ty Vina CHG tổ chức diễn đàn "Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và vấn đề an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng".
Bà Nguyễn Thị Tuyết Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiết bị bảo hộ lao động Đông Á, nhà phân phối chính thức thương hiệu Blue Eagle tại Việt Nam, cho biết bồn rửa mặt khẩn cấp và mặt nạ phòng độc của công ty bị làm nhái, làm giả nhiều nhất.
Từ năm 2014, công ty đã phát hiện có hàng giả, hàng nhái trên thị trường đa phần từ Trung Quốc nhưng không ngăn chặn được. Hàng giả tràn lan khiến tiêu thụ sản phẩm giảm 80%. Theo bà Phương, hàng giả quảng cáo rất mạnh, giá rẻ nên được người tiêu dùng chọn mua.
Mặt nạ phòng độc.
Ông Nguyễn Việt Khôi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Medi World, chuyên kinh doanh các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, kể hiện tại có một sản phẩm bị làm nhái là viên uống chống nắng Bio suncare ứng dụng công nghệ nano lycopen.
Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao TP.HCM sản xuất thành công. Đặc biệt, sản phẩm này được rót kinh phí nghiên cứu từ UBND TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Nếu doanh nghiệp bình thường làm viên chống nắng không dễ dàng do chi phí tốn kém cùng sự cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp nước ngoài.
Hàng giả làm giả từ bao bì bên ngoài .
Mũ bảo hiểm bị làm giả, làm nhái.
Theo ông Khôi, sau ba năm khi triển khai, bỏ ra nhiều chi phí để quảng bá, mở hệ thống phân phối trên toàn quốc thì bị một nhóm nhân viên 10 người của công ty ra mở hai công ty riêng chuyên về phân phối và sản xuất. Họ triển khai đưa sản phẩm nhái đó vào hệ thống đại lý của công ty với giá rẻ hơn nhiều.
“Tôi không hiểu sự phối hợp của các đơn vị chức năng thế nào mà một sản phẩm được UBND rót kinh phí nghiên cứu sản xuất thành công cuối cùng bị làm nhái, đơn vị sản xuất giả đó cũng không bị rút giấy phép. Cần làm sao để doanh nghiệp làm thương mại chân chính hoặc doanh nghiệp triển khai thương mại hóa các đề tài nghiên cứu an tâm để tiếp tục triển khai các dự án” - ông Khôi bức xúc.
Theo ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm bản quyền… không chỉ là vấn nạn riêng của Việt Nam mà trên cả thế giới.
Ngoài việc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng, doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ mình bằng biện pháp công nghệ như dùng tem chống hàng giả, chủ động đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, kiểm tra kiểm soát thị trường để biết có hàng giả hay không. Đồng thời có biện pháp để công chúng biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.