Sản xuất ô tô là kinh doanh có điều kiện?

Chiều 9-11, Quốc hội (QH) thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong đó đáng chú ý là nội dung bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện.

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật này, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, cho hay Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất của Chính phủ về điều này. Tuy nhiên, thảo luận vấn đề này, ý kiến các đại biểu chia ra làm hai luồng khá rõ.

Không nên dễ dãi trong quản lý kinh doanh

Tán thành với ý kiến đưa sản xuất, lắp ráp ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đại biểu QH Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) cho rằng đơn vị soạn thảo cần rà soát xem có vấn đề lợi ích nhóm trong việc thêm và bỏ các ngành nghề có điều kiện kinh doanh hay không. Tuyệt đối không để Việt Nam trở thành bãi rác cho các hàng hóa kém chất lượng thông qua sự dễ dãi trong quản lý kinh doanh.

“Sản xuất ô tô là ngành công nghiệp đòi hỏi cần có sự đầu tư vốn lớn, quy trình lắp ráp công phu, cần có những kỹ sư, công nhân trình độ cao; nếu không đưa ngành sản xuất ô tô vào kinh doanh có điều kiện sẽ tạo ra sự mất an toàn cho tính mạng người sử dụng và vô tình khuyến khích nhập khẩu linh kiện không đạt chuẩn, không đảm bảo điều kiện lưu hành. Từ đó sẽ dẫn đến nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác công nghiệp. Bên cạnh đó, nếu không đưa ngành nghề này vào điều kiện kinh doanh sẽ tạo ra sự biến tướng nhập khẩu xe cũ, hết thời hạn sử dụng,…” - đại biểu Lộc nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng đây là cơ hội có thể tận dụng để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước mà không vi phạm các cam kết quốc tế, trao thêm cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam một cơ hội nữa, dù rằng những năm qua ngành này chưa phát triển được như xã hội kỳ vọng.

Chưa rõ ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô có trở thành ngành kinh doanh có điều kiện hay không. Ảnh: TP

Lo ngại độc quyền sản xuất, lắp ráp ô tô

Ở chiều ngược lại, đại biểu Phạm Phú Quốc (TP.HCM) lại cho rằng cần đánh giá kỹ việc đưa vào, rút ra các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo ông Quốc, nhiều doanh nghiệp vẫn thấy chưa đồng tình về quy định này và thực sự chưa tạo được động lực thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển. Do vậy, đại biểu Quốc đề nghị cơ quan quản lý cần tổ chức nhiều hội thảo tham vấn ý kiến các doanh nghiệp để có những đánh giá xác đáng, toàn diện hơn.

Đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) cho rằng một số lý do nêu trong tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu ô tô vào ngành kinh doanh có điều kiện là chưa thuyết phục. “Nhập khẩu ô tô nếu đưa vào kinh doanh có điều kiện sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp lắp ráp, nhập khẩu và vô tình tạo thế độc quyền” - ông Hồng nói và đề xuất cần cân nhắc kỹ điều này.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông (đại diện cơ quan soạn thảo dự luật) cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu thêm các ý kiến của đại biểu để làm rõ thêm các ngành nghề kinh doanh. Riêng ngành sản xuất ô tô được đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện là hoàn toàn đúng. Đây là ngành công nghiệp mà Nhà nước phải bảo vệ, một đất nước 90 triệu dân thì ngành ô tô phải phát triển và tăng trưởng. “Ngành ô tô đã tạo ra việc làm cho 100.000 lao động. Chúng ta phải tạo ra cơ chế để ngành ô tô có tỉ lệ nội địa hóa cao, tránh để xảy ra thâm hụt thương mại khi lượng nhập khẩu tăng lên” - ông Đông nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm