Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Đại dự án khóc ròng vì nhà thầu Trung Quốc”, nhiều bạn đọc đặt vấn đề: Vì sao đã có nhiều bài học cay đắng từ nhà thầu Trung Quốc mà ta vẫn cứ lao vào? Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến:
Bạn đọc Lâm Quyết Thắng đặt câu hỏi: “Tại sao các nhà quản lý, hoạch định chiến lược của Việt Nam lại bị các nhà thầu Trung Quốc làm cho điêu đứng mà vẫn còn hợp tác làm ăn hoài vậy? Tại sao không một chút cảnh giác trước những kinh nghiệm thất bại trong những phi vụ làm ăn với người Trung Quốc? Hay vẫn cho rằng chưa phải là bài học, hay vì lợi ích khác lớn hơn? Nhà nước cần làm rõ trách nhiệm, đừng để xảy ra tình trạng này nữa để cho dân nhờ.
Sau khi đánh giá rằng hàng loạt "đại dự án" của Bộ Công Thương có dính dáng đến Trung Quốc đều bị “chết”, để đến bây giờ có nguy cơ bán sắt vụn, gây thiệt hại cho đất nước nhiều không kể xiết, bạn đọc tên Trang nhấn mạnh: “Phải có kẻ phải chịu trách nhiệm về chuyện này trước nhân dân và đất nước, không phải cho doanh nghiệp phá sản là xong, là rũ phủi trách nhiệm”.
Bạn đọc này cũng thắc mắc: “Tại sao chúng ta vẫn cứ "mê" nhà thầu Trung Quốc, công nghệ Trung Quốc và thiết bị Trung Quốc đến như vậy? Họ tự đến hay có ai chỉ đạo phải để cho nhà thầu Trung Quốc làm? Đâu phải họ cho ta vay tiền là ta phải có trách nhiệm rước đồ đồng nát do họ vứt đi để đem về để lệ thuộc họ đủ thứ, để họ ngồi cười nhìn ta thua lỗ…”.
“Tại sao bên phía Việt Nam dễ dàng thua thiệt đến như vậy mà không thể làm gì họ được? Hàng chục nhà máy có nguy cơ bán sắt vụn cùng chung một kịch bản, bây giờ ngồi mổ xẻ trách nhiệm nhưng có ai dám động đến nguồn cơn của bi kịch này không?”
Dự án mở rộng khu gang thép Thái Nguyên trị giá hơn 8.000 tỉ đồng “đắp chiếu”. Ảnh: HỮU VIỆT
Bạn đọc Bùi Đức Học Đã thì rút ra bài học xương máu: “Đã cảnh báo nhiều lần đừng nên ham bỏ thầu rẻ mà mang họa nhất là đối với Trung Quốc. Lịch sử đã chứng minh”.
Tương tự, bạn Nguyễn Công Lý đúc kết “nói nhiều rồi, làm ăn với Trung Quốc nên dè chừng”. Còn bạn Long Ca thì bình luận “cái gì mà đã lệ thuộc thì phải chấp nhận tang thương!”
Nhận xét rằng nhiều dự án cứ đụng đến nhà thầu Trung Quốc là “chết” và đã có nhiều hậu quả xấu nhưng một bạn đọc không hiểu tại sao từ công trình trọng điểm đến công trình nhỏ đều có nhà thầu Trung Quốc xuất hiện.
Từ đó bạn đọc này chất vấn: “Trên thế giới không có tập đoàn, công ty nào để mình hợp tác hay sao? Hay là vì lợi ích nhóm, phết phẩy quá dễ ăn khi làm ăn với Trung Quốc?”
Trong khi bạn Trương Quang Minh đề nghị dứt khoát: “Vấn đề của chúng ta là tại sao cứ để nhà thầu Trung Quốc thắng thầu. Nếu vì đồng vốn đến từ Trung Quốc thì tại sao ta không hạn chế mà cứ nhận của họ và theo điều kiện thua thiệt mà ta cứ làm. Đây là câu hỏi mà Chính phủ phải trả lời cho người dân!”