Sáng 3-11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có phần giải trình trước Quốc hội về các dự án ngàn tỉ đồng đắp chiếu, hoạt động kém hiệu quả.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện có năm dự án tồn đọng có số vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng: Xơ sợi polyester Đình Vũ, lọc dầu Dung Quất, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên và nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ.
Ông Tuấn Anh cũng cho biết hiện một số dự án đã có kết luận thanh tra và được Thủ tướng thông qua, còn một số dự án khác như giang thép Thái Nguyên đang trong quá trình thanh tra.
Theo người đứng đầu ngành Công Thương, hiện nay không chỉ có năm dự án trên mà còn nhiều dự án khác còn tồn đọng, hoạt động kém hiệu quả, mất vốn, gây hao tốn nguồn lực Nhà nước. Các dự án này diễn ra rất dài so với thời gian được phê duyệt.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có bổ sung báo cáo về các dự án khác nhưng quan điểm của Chính phủ là đánh giá tổng thể, rà soát thực trạng, điều hành dự án, trách nhiệm của các cấp quản lý. Theo đó, việc đánh giá này sẽ thực hiện trên nguyên tắc bảo vệ, giữ gìn đồng vốn của Nhà nước, không gây thất thoát vốn và đặc biệt làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan.
Qua quá trình thanh tra các dự án, ông Tuấn Anh cho rằng sắp tới công tác quản lý các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần phân định rạch ròi giữa quản lý và đầu tư của DNNN. Cụ thể, những lĩnh vực nào nên để DNNN đảm nhận, lĩnh vực nào nên để các DN ngoài Nhà nước thực hiện gắn với thị trường.
"Vai trò quản lý của các cơ quan chủ quan cũng như trách nhiệm quản lý phần vốn nhà nước tại các DN cũng cần phải thay đổi. Đặc biệt, cần có chơ chế gắn trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước với chất lượng các dự án đầu tư" - Bộ trưởng Tuấn Anh kiến nghị.