Đại dự án ‘khóc ròng’ vì nhà thầu Trung Quốc

Tại cuộc họp tổ công tác của Thủ tướng xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ thuộc ngành công thương diễn ra mới đây, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Hầu hết dự án thua lỗ, yếu kém của ngành công thương đều đang vướng thủ tục quyết toán, nhiều dự án quy trình thủ tục khi triển khai chưa đúng quy định. Trong các dự án thua lỗ, có dự án âm cả vốn sở hữu, có dự án lỗ lũy kế lớn hơn vốn chủ sở hữu rất nhiều, chưa nói cộng cả nợ phải trả.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính (ảnh), về vấn đề xử lý các dự án này.

“Dính” nhà thầu Trung Quốc

. Phóng viên: Hiện nay cơ quan chức năng đang loay hoay với bài toán xử lý 12 dự án thua lỗ, đắp chiếu của ngành công thương. Theo ông, nguyên nhân xuất phát từ đâu?

+ PGS-TS Ngô Trí Long: Tôi cho rằng hệ lụy của các dự án này đối với nền kinh tế, đời sống người lao động là vô cùng lớn. Hiện nay các dự án đều vướng đến thủ tục quyết toán. Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc đàm phán, ký kết hợp đồng với các nhà thầu nước ngoài còn lúng túng, ít kinh nghiệm. Đa phần các nhà thầu này đến từ Trung Quốc. Trong đó đáng chú ý là các điều khoản kỹ thuật không rõ ràng dẫn đến phát sinh tranh chấp, vướng mắc khó giải quyết.

. Liệu có phải do phía Việt Nam đã buông lỏng các khâu khi thẩm định, phê duyệt dự án?

+ Tôi cho rằng công tác lập dự án, thẩm định dự án của chúng ta còn yếu kém. Đi kèm với đó là công tác giám sát còn lỏng lẻo dẫn đến không kịp thời phát hiện, làm cho tình trạng chậm tiến độ kéo dài. Từ đó khiến tổng mức đầu tư đều vượt so với dự toán phê duyệt ban đầu, làm tăng giá thành sản phẩm.

Chẳng hạn như dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTEX), tổng mức đầu tư ban đầu 320 triệu USD, tính đến hết năm 2016 đã lỗ 3.400 tỉ đồng. Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên có tổng mức đầu tư 3.800 tỉ đồng nhưng sau đó tổng mức đầu tư điều chỉnh lên đến gần 9.000 tỉ đồng.

Hay như các dự án nhiên liệu sinh học chưa tính toán đến giá nguyên liệu đầu vào, đầu ra, giá nguyên liệu không ổn định. Đơn cử giá sắn ban đầu tính toán chỉ vài ngàn đồng/kg nhưng bây giờ lên đến hàng chục ngàn đồng/kg. Thế mà người ta vẫn quyết định đầu tư cả ba nhà máy cùng lúc trong khi xăng sinh học E5 là sản phẩm mới, chưa hấp dẫn người tiêu dùng sử dụng.

Đạm Ninh Bình là một trong 12 dự án đang gặp khó khăn. Ảnh: HT

Phá sản là tối ưu

. Có thực tế phần lớn các dự án thua lỗ, yếu kém này đều do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận, thưa ông?

+ Chuyện các dự án ở Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận bị chậm tiến độ, đội vốn không phải là mới. Nhà thầu Trung Quốc rất khôn khi đưa vào những thiết bị lạc hậu, tìm cách kéo dài tiến độ dự án, chưa kể những góc khuất đằng sau của nhóm lợi ích.

Bên cạnh đó, tổng thầu EPC Trung Quốc thường chọn việc nào dễ làm trước, việc khó để lại, đến khi chậm rồi đặt điều kiện này kia. Thậm chí họ chỉ cung cấp thiết bị đơn giản cho các nhà thầu phụ Việt Nam lắp đặt, còn những thiết bị chính thì họ không bàn giao.

. Nhưng thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng lỗi một phần là do các chủ đầu tư của Việt Nam?

+ Đúng vậy, nhìn nhận thực tế, nguyên nhân cũng do chính chúng ta. Các chủ đầu tư vẫn quen theo kiểu làm tiền trảm hậu tấu. Thậm chí chủ đầu tư trước khi triển khai dự án không hỏi các thủ tục hướng dẫn quyết toán hợp đồng, đến khi làm rồi mới hỏi hướng dẫn. Luật của ta có đầy đủ nhưng tại sao họ vẫn không tuân thủ dù đã có nhiều bài học với nhà thầu Trung Quốc?

Đó là chưa kể trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã không giám sát chặt chẽ. Đáng lẽ cần phải quyết toán từng phần, từng giai đoạn nhưng lại không làm và nhà thầu Trung Quốc lợi dụng kẽ hở đó để chây ỳ tiến độ dự án.

. Theo ông, phương án nào là tối ưu nhất để xử lý dứt điểm các dự án này?

+ Dựa trên thực tế các dự án cho thấy nhà chức trách có thể tính đến phương án tái cơ cấu, thoái vốn, bán, hợp tác với nước ngoài và phá sản. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ xuất phát từ chi phí quá lớn, giá thành cao, thiết bị công nghệ Trung Quốc như đạm Ninh Bình, Hà Bắc, thép Thái Nguyên… sẽ khó kêu gọi được nhà đầu tư rót vốn vào các dự án này.

Đối với phương án phá sản sẽ giải quyết được dứt điểm tình trạng thua lỗ kéo dài. Việc phá sản sẽ khiến các cổ đông mất vốn lên đến hàng trăm triệu USD và phải tìm cách giải quyết vấn đề việc làm cho lao động. Song trong bối cảnh không thể ném tiền ngân sách cứu các dự án thua lỗ kéo dài thì phương án tối ưu nhất là phá sản, thanh lý những dự án không còn khả năng phục hồi.

. Xin cám ơn ông.

16 lần đàm phán vẫn chưa xong

Trong 12 dự án thua lỗ, đắp chiếu, có nhiều dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc quyết toán hợp đồng EPC với các nhà thầu Trung Quốc.

Theo đó, Nhà máy đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 6.000 tỉ đồng, đội vốn lên 10.000 tỉ đồng. Vốn vay chủ yếu từ ngân hàng Trung Quốc, nhà thầu Hoàn Cầu (Trung Quốc). Tính đến hết năm 2016, thua lỗ của Nhà máy đạm Ninh Bình đã lên đến 3.314 tỉ đồng. Dù đã có 16 lần đàm phán với nhà thầu Trung Quốc nhưng nhiều vấn đề vẫn chưa được chủ đầu tư và nhà thầu thống nhất giải quyết.

Dự án Nhà máy đạm Hà Bắc do Vinachem làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng, đội vốn lên hơn 10.000 tỉ đồng, lỗ 1.700 tỉ đồng. Dự án chưa quyết toán với nhà thầu EPC do chưa xác định được giá trị quyết toán hợp đồng.

Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên được triển khai từ năm 2007, nhà thầu EPC là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC). Từ đó đến nay nhà thầu này không thực hiện thi công.

_________________________________

Tôi đi khảo sát một số nhà máy nhiên liệu sinh học thấy đầu tư sai cả chủ trương. Có nhà máy đầu tư lớn ngàn tỉ đồng mà nguyên liệu không có, đầu ra không có, đầu tư xong đắp chiếu. Tang thương nhất là có nhà máy đầu tư xong… bán sắt vụn.

Ông NGUYỄN TRỌNG THỪA, Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm