Nếu nhìn qua tấm ảnh trên đây, tôi so sánh hai con đường mới mở mà tôi đã đến, một ở Trung Quốc (TQ) và một ở Việt Nam (VN). Có lẽ bạn đọc sẽ dễ dàng nhận ra ảnh ở đâu. Vấn đề là tại sao cùng mở một con đường trong TP mà một nơi thì nhà cao cửa rộng, kiến trúc đẹp đẽ, sang trọng, tiện ích đầy đủ, đạt các yêu cầu về tiêu chuẩn mỹ quan, môi trường, xanh sạch đẹp, còn một nơi mở đường xong thì nhà cửa lè tè thấp bé, nhỏ hẹp, phản mỹ quan, nền thấp nền cao, trông hết sức tủn mủn và phản cảm?
Cổ ra cổ, hiện đại ra hiện đại
Có thể người ta sẽ nói: Các nước khác người ta giàu hơn, nhiều tiền hơn, họ có truyền thống xây cao ốc hơn, phương pháp quy hoạch của họ khác hơn, có điều kiện hơn, ta không so sánh được… Tôi không so sánh với các nước phương Tây, cũng không so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Singapore… Tôi chỉ muốn so sánh với một nước có rất nhiều yếu tố gần giống với VN nhất là TQ, để xem thử vấn đề có phải nằm ở chỗ có tiền hay không có tiền hay nằm ở những sự khác biệt về chính sách.
Cách đây mấy năm tôi đi công tác rồi ở lại lang thang du lịch vùng Giang Nam của TQ, nhờ việc lang thang tự đi mà tôi khám phá ra rất nhiều điều thú vị mà nếu du lịch theo tour không chắc có được.
Khi đến Hàng Châu, một trong những thắng cảnh nổi tiếng, họ chia ra khu vực quanh Tây Hồ và một bên sông Tiền Đường là khu vực cổ cần bảo tồn tuyệt đối, nhà cửa xây lại bắt buộc phải theo khuynh hướng giả cổ để hòa hợp, còn các khu dân cư ít giá trị lịch sử khác có thể phá bỏ để xây nhà cao tầng, các kiến trúc hiện đại, rất rõ ràng.
Khách sạn tôi ở ngoại thành nhưng trục đường rất lớn, hai bên đường là các tòa cao ốc văn phòng, trung tâm thể thao, showroom, nhà hàng tiệc cưới, chung cư cao cấp… cực kỳ to lớn và tráng lệ, chẳng thua gì ở những TP lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh.
Khách sạn không có nhà hàng ăn, ông quản lý chỉ cho tôi cứ đi theo trục đường vài chục mét có đường hẻm nhỏ rẽ vào, trong đó tha hồ có quán ăn. Tôi rẽ vào một hẻm nhỏ bên hông một tòa nhà lớn, đi thêm 50 m và không tin vào mắt mình nữa, giống như tôi không phải đang ở Hàng Châu TQ mà đang ở một con phố nhỏ của người Hoa ở vùng Chợ Lớn, quận 5 của Sài Gòn vậy.
Sau những dãy nhà cao ốc to lớn trên mặt đường là hàng loạt dãy nhà trệt hoặc 1-2 tầng nhỏ hẹp, lụp xụp, cũ kỹ kiểu xưa trên những con đường hẻm nhỏ chừng 6-7 m, lởm chởm bẩn thỉu, họ buôn bán nhỏ, bày ra cả vỉa hè, hàng rong để xe đẩy dọc theo đó, các quán ăn y hệt những tiệm mì trên đường Huỳnh Mẫn Đạt đặt bếp ra ngay sát cửa, lửa cháy phừng phừng, chảo mỡ sôi xèo xèo… Khách ăn để xe ngổn ngang, đông đúc, nhộn nhịp, cả một bầu không khí quen thuộc đã hiện ra trước mắt tôi. Chỉ cách vài chục mét mà là hai thế giới khác nhau một trời một vực.
Đường mới mở nào ở Trung Quốc, đường nào ở Việt Nam?
Cả xã hội được lợi khi mở đường
Chính vì ngạc nhiên với những điều trông thấy, tôi đã hỏi chuyện với quản lý khách sạn cùng một số người TQ gặp trong suốt chuyến đi để hình dung được về phương pháp giải quyết mỹ quan đô thị khi mở đường ở TQ. Theo đó, khi phát triển đô thị, bất kể là mở một con đường mới ở đồng trống hay mở rộng con đường sẵn có trong khu dân cư đông đúc, chủ trương của chính phủ gói gọn trong câu khẩu hiệu: “Không có bất cứ hộ gia đình hay cá nhân nào được lợi trên những con đường mới”. Để hiện thực hóa điều này, họ quy định khi mở một con đường mới, sau khi giải tỏa lộ giới xong, họ tiếp tục giải tỏa trắng hai bên đường 50-100 m, sau đó phân thành từng lô lớn vài ngàn mét vuông bán đấu giá. Những lô đất lớn này quy hoạch xây các khối nhà lớn, hiện đại.
Nhờ vậy người TQ không sợ thiếu vốn mở đường nên họ có thể mở rộng thành phố rất nhanh. Ngay cả trong trường hợp chưa đủ vốn hay thời gian để mở rộng toàn bộ khu vực thì ít ra những tòa cao ốc khổng lồ hai bên đường mới mở đã che chắn hết những dãy nhà cũ xấu bên trong, tạo một bộ mặt đẹp trên trục đường chính trong mắt cả người dân và du khách.
Nếu những biện pháp này được áp dụng tại VN, sẽ không còn những con đường nền nhà cao thấp mà chỉ còn những con đường với những tòa nhà hiện đại, đẹp đẽ.
Biết nhưng vẫn chậm chạp nghiên cứu triển khai
Không phải ở VN không biết những bài học kinh nghiệm như vậy ở các nước khác. Thậm chí từ năm 2012, Bộ Tài chính đã lập dự thảo “Đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2011-2020”, trong đó đề xuất việc bán đấu giá các lô đất giải tỏa hai bên đường mới mở. Theo dự thảo, nếu áp dụng phương thức này ngân sách nhà nước sẽ thu thêm được hàng trăm ngàn tỉ đồng thay vì mất trắng cho những người có nhà tự nhiên được ra mặt tiền thụ hưởng. Đã năm năm rồi nhưng dự thảo vẫn chỉ là… dự thảo!
Nhưng ngay cả khi dự thảo này chưa được nghiên cứu và áp dụng, tại Đà Nẵng cũng đã từng áp dụng thử phương thức này khi cho bán đấu giá các lô đất mới khi mở rộng TP và thu kết quả rất tốt.
TP.HCM đã áp dụng thử ở dự án đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè sau khi mở lộ giới đường 60 m đã giải tỏa thêm 75 m mỗi bên được tổng cộng 87,55 ha làm quỹ đất dự trữ bán đấu giá cho tư nhân. Kết quả thu được 466 tỉ đồng trong khi kinh phí cho toàn bộ dự án chỉ có 429 tỉ đồng, tức ngân sách đã không tốn đồng nào mà lại còn dư ra mấy chục tỉ đồng bổ sung cho đền bù và dành cho nhà ở xã hội.
Những ví dụ trên cho thấy việc bán đấu giá đất hai bên đường là giải pháp đúng đắn, hiệu quả nhất. Nếu áp dụng sẽ giải quyết nhanh chóng việc mở nhiều con đường lớn trong bối cảnh giao thông ngày càng ách tắc, tạo ra những con đường mới to đẹp cho bộ mặt các thành phố.
Không thể chấp nhận bộ mặt thành phố ngày càng biến dạng vì những con đường mới mở cùng với những bi hài kịch tạo ra từ đó. Mong HĐND sớm đặt vấn đề lên thành phố, thậm chí cao hơn là Quốc hội, thúc đẩy Chính phủ nhanh chóng nghiên cứu thí điểm để đi đến dứt điểm vấn đề này, chấm dứt việc hễ mở đường là tạo ra những con đường “đắt nhất hành tinh” và “xấu xí nhất hành tinh” như người dân chua chát đặt cho.
Bài toán có lời giải lợi ích Thực hiện theo cách thức trên, Nhà nước cũng giải quyết được vấn đề kinh phí. Hãy thử làm một con tính, như dự án cầu đường Bình Triệu 2 với kinh phí ước hơn 7.000 tỉ đồng cho 10,5 km. Nếu chỉ lấy 4,5 km xa nhất, từ ngã tư Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước trừ đi 0,5 km cho đường nhỏ hai bên đường coi như còn lại 4 km cần giải tỏa. Sau khi giải tỏa lộ giới đường 53 m như dự tính, tiếp tục giải tỏa thêm mỗi bên 50 m nữa, như vậy sẽ có 400.000 m2 để giải tỏa và làm quỹ đất bán đấu giá. Giá đất hiện tại khu vực này ở sâu phía trong 50 m trung bình 22 triệu đồng/m2, như vậy nếu đền bù toàn bộ theo giá thị trường là 8.400 tỉ đồng. Giá đất mặt tiền đường khu vực hiện nay tầm 50 triệu đồng/m2, cứ cho bán đấu giá chỉ 40 triệu/m2 thôi, ngân sách cũng thu được 16.000 tỉ đồng. Sau khi trừ tiền đền bù và xây đường vẫn còn dư hơn 7.000 tỉ đồng. Xin lưu ý, đây chỉ mới tính 4,5 km của dự án thuộc quận Thủ Đức là chỗ xa nhất, có giá rẻ nhất mà thôi, còn lại 6 km trục đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm thuộc quận Bình Thạnh có giá gần gấp đôi đoạn trên, tức là còn thu lợi được tầm 10.000 tỉ đồng nữa sau đền bù. Nếu giải tỏa 75-100 m, số tiền thu được sẽ còn lớn hơn nữa. Chỉ bằng một động tác giải tỏa bán đấu giá, Nhà nước đã có kinh phí xây đường và có dư ít nhất 16.000 tỉ đồng ngân sách cho một dự án đắp chiếu 17 năm. |