Nhưng kèm theo đó cũng là những hệ lụy dở khóc dở cười trên những con đường mới mở thênh thang này.
Nhà tôi trên đường Kha Vạn Cân, đoạn sau này mở rộng thành đường Phạm Văn Đồng. Gần chục năm kẹt xe chen chúc, đường xấu nước ngập, cuối cùng năm 2013 cũng đến lúc con đường được mở rộng hơn 60 m khang trang, hiện đại, thoát được bao nhiêu phiền toái trước đây.
Nhưng đường mở rộng rồi mà không đồng bộ về mặt mỹ quan, vì đường to đẹp bao nhiêu thì hai bên đường nhà cửa trông lại khó coi bấy nhiêu.
Nhà “mình dây”, siêu mỏng tràn ngập…
Như thành một căn bệnh mạn tính, hễ cứ mở lớn đường là hàng loạt nhà siêu mỏng xuất hiện. Do giải tỏa quá sâu, rất nhiều căn nhà trước đây vốn có chiều dài 20-30 m nay bị cắt ngắn ngủn xuống còn chưa đầy 10 m, cá biệt số nhà có chiều dài dưới 4 m, thậm chí 3 m không hề ít. Những căn hộ này đã thiếu chiều ngang lại còn thiếu chiều sâu, thành nhà siêu mỏng. Trên đoạn đường Phạm Văn Đồng, chỉ tính từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn đến cầu Gò Dưa chưa đầy 7 km đã có đến cả trăm căn nhà “mình dây” và siêu mỏng như vậy ở mặt tiền.
Có người ví von những căn nhà siêu mỏng này là hộp diêm. Thú thật tôi thấy so sánh này vẫn chưa chính xác, gọi là hộp diêm hay cao hơn là bao thuốc lá vẫn còn tốt chán. Vì hộp diêm hay bao thuốc ít ra nó cũng còn vuông vức, vừa vặn trong khi nhiều nhà siêu mỏng không có được hình vuông hay hình chữ nhật mà là hình bình hành, thậm chí hình tam giác xiên xẹo.
Người ta sống ra sao trong cái hộp bê tông méo mó đó khi mà có những căn nhà bề ngang 3-4 m nhưng chiều dài chỉ 1-2 m, thậm chí ngắn hơn? Cầu thang gần như là thang treo dốc đứng để tiết kiệm không gian trống, tầng trệt tận dụng để được 1-2 cái xe ban đêm, tầng trên đủ chỗ cho khoảnh bếp và toilet nhỏ và tầng trên nữa là chỗ ngủ mà các thành viên trong gia đình chỉ có thể nằm đất như cá mòi sắp lớp. Tận dụng quy định cho làm ban công, những nhà siêu mỏng này xây ban công vươn ra để tranh thủ làm chỗ để thêm đồ, nhìn mất cân đối và cảm giác như nhà chỉ chực nghiêng và đổ sập.
Người ta ngứa mắt với nhà siêu mỏng nhưng chủ nhân những căn hộ này cũng không sướng gì. Tiền bồi thường không nhiều, chia ra cho vài thành viên đi ở chỗ khác, còn chủ hộ bám trụ lại với khoảnh đất nhỏ này. Ăn ở cơ cực nhưng vớt vát lại còn được chút mặt tiền mấy mét vuông phía dưới, cho thuê hay bán lặt vặt cũng kiếm thêm chút ít.
Nhà thấp hơn mặt đường gần 4 m, giải pháp nào cho những căn hộ này?
Nền nhà lên xuống
Một con đường mở rộng và xây xong, không ít chủ nhà méo mặt. Nếu may mắn, nền nhà xấp xỉ tương đương với cốt 0, tức với vỉa hè, xem như để ở hay kinh doanh đều ổn. Nhưng rất nhiều người không được may mắn như vậy, sau khi đơn vị thi công ủi đất hay đổ đá làm nền đường, nhiều gia chủ bỗng tá hỏa khi nhận ra nhà mình bị thấp hay cao hơn nhiều so với mặt đường.
Phổ biến nhất là bị cao so với mặt đường. Nguyên do tình trạng triều cường, ngập nước thường xuyên diễn ra khiến một số hộ dân khi sửa hoặc xây nhà mới đã nâng cao nền để tránh ngập. Biết dự án mở đường sẽ diễn ra những năm sau, nhiều hộ dân chủ động nâng cao nền lên đón đầu bằng cách nâng nền lên thêm từ 60 cm đến cả mét vì dự đoán mặt đường mới sẽ được nâng cao lên. Không ngờ đến lúc làm đường mới biết mặt đường không hề được nâng lên so với đường cũ.
Có nhiều chủ hộ lúc xin phép xây dựng nhà mới đã đi hỏi quy hoạch về cốt nền nhưng cán bộ quận cũng không biết nên về xây đại, giờ lãnh đủ. Nhưng đau nhất phải kể đến những trường hợp như ông chủ nhà 352 Phan Văn Trị, khi xin phép xây dựng ông hỏi quận Gò Vấp và được báo xây cao hơn mặt đường hiện hữu tầm 1 m. Nhà xây xong một thời gian, lúc làm đường người ta không những không nâng thêm mặt đường mà còn ủi bớt đi, dẫn đến bây giờ cửa nhà ông cách vỉa hè hơn 1 m.
Những căn nhà xây cao hơn cốt nền này đi lại vô cùng khó khăn, chủ nhà phải đặt làm cầu thang tạm bằng lưới thép, không thể làm bằng xi măng vì như vậy là lấn chiếm vỉa hè. Nhưng độ dốc quá cao, phụ nữ không thể tự chạy xe máy lên được nên luôn phải nhờ vả đàn ông giúp, chưa kể nhiều người đã bị tai nạn té ngã khi chạy xe lên xuống. Để giảm độ dốc, nhiều hộ dân đã kéo dài đường lên rồi tách thành hai phần, mỗi khi lên xuống họ phải khiêng một phần ra ráp lại. Có hộ dân sáng kiến làm thành cầu trượt, mỗi khi lên xuống đẩy phần còn lại xuống, đỡ phải khiêng. Đúng là cái khó ló cái khôn nhưng phải khôn trong tình cảnh thế này đúng là quá khổ sở, vất vả cho người dân.
Trái ngược với tình cảnh trên, nhiều hộ dân bị nền nhà thấp hơn mặt đường, thôi thì mỗi trận mưa là nước lại tràn vào lênh láng. Nền thấp hơn mặt đường vài chục cm may còn giải pháp nâng nền, có tốn kém mấy dẫu sao cũng giải quyết được nhưng thấp hơn cả mét không đơn giản và sẽ nâng sao nếu mặt đường gần bằng… trần nhà? Gần khu vực cầu Gò Dưa vô số căn nhà thấp hơn mặt đường đến vài mét, khó đổ nền vì nếu đổ xong tầng trệt chỉ còn cao chưa đầy… 2 m. Nhiều nhà bây giờ cũng không biết hướng giải quyết tiếp ra sao. Lấy tầng trệt thành tầng hầm hay lấp lại? Biến tầng một thành tầng trệt? Xây tấm đan bê tông lớn để nối với vỉa hè? Hay phải cho đến khi có ai đó chạy xe máy bị lạc tay lái vào lề rơi xuống mới có giải pháp dứt điểm?
Bất luận nền nhà cao hay thấp hơn mặt đường, ở những căn hộ này việc kinh doanh coi như đi tong, làm gì có mấy khách khứa nào muốn dừng xe trèo lên những bậc thang dốc hay chui xuống “hầm”. Tọa lạc trên những mặt tiền đắt giá cho kinh doanh nhưng căn hộ chỉ còn dùng để ở cho đến khi đập hết đi xây lại.
Những thiệt hại này người dân bỗng dưng phải gánh hết.
Nhà cửa lệch pha
Gần nhà tôi có một vườn mai, đường giải tỏa đi ngang qua, nghiễm nhiên vườn mai của ông trở thành khu đất đắc địa nhờ đến hơn 50 m mặt tiền chạy dài. Ông bán một phần đất, gom với tiền giải tỏa xây luôn một căn biệt thự to đùng sống cho thỏa. Ai đi qua cũng tiếc, đất mặt tiền lớn, nằm trên đường lớn, được phép xây tòa nhà cao 7-8 tầng mà không xây tòa nhà kinh doanh, lại xây biệt thự lãng phí vì biệt thự có thể mua đất khác phía bên trong rẻ hơn mấy lần. Nhưng thôi, dẫu sao tòa biệt thự trong vườn mai cũng còn đẹp cho con đường.
Nhưng cái đẹp chẳng tồn tại lâu, ông chủ biệt thự nhận ra “sai lầm”, bèn phá vườn mai, xây kiốt cho thuê, cả chục kiốt bao vây kín quanh biệt thự, mỗi cái bán hàng và trang trí một kiểu không ăn nhập với nhau, hỗn tạp, phá hỏng luôn cả mỹ quan căn biệt thự và cả đoạn đường.
Căn biệt thự này cũng chỉ là một phần, vô số những căn nhà muôn vẻ khác biệt từ màu sắc, độ cao thấp, thò ra thụt vào… hợp lại thành một bản hợp xướng lộn xộn, không đồng nhất: Bên cạnh một tòa nhà lớn năm tầng hiện đại xây theo kiến trúc nhà kính xanh biếc là căn nhà kiểu Pháp ba tầng vàng khè, kế bên thêm một căn nhà trệt thấp lè tè cũ mèm mà gia chủ không đủ tiền cải tạo, lên tầng rồi bên cạnh là bãi đất trống bỏ hoang… Dọc tuyến đường, hàng loạt công trình hết sức khó coi tương tự như thế kết hợp với nhau khập khiễng như một hàm răng cải mả.
Mỗi ngày đi về hai bận, nhìn những dãy nhà khập khiễng hai bên đường, người ta không khỏi xót xa: Chẳng lẽ cứ hễ mở đường mới là phải chấp nhận những kiến trúc lộn xộn như vậy mọc lên như nấm?