Mọi năm cứ đến ngày 30 Tết, mọi người đã gác lại mọi lo toan để về sum vầy, đón năm mới bên gia đình. Nhưng đâu đó vẫn còn những nỗi lo lắng chất chồng của những người bán hoa. Họ sốt ruột với "canh bạc" của mình, bởi số lượng hoa nhập thì nhiều, nếu không bán được hết hoa trong ngày 30 Tết, có nghĩa họ không có Tết.
Lo lắng nhất ngày 30 Tết
Chị Thúy Vi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM, đã theo nghề bán hoa vào dịp Tết cũng gần chục năm, chị cho biết bán hoa sợ nhất là ngày 30 Tết, bởi lời hay lỗ đều chờ đến ngày 30 quyết định. Suốt 10 năm buôn bán, chị nhận ra có nhiều người có thói quen chọn ngày 30 Tết mới bắt đầu đi mua hoa.
"Mọi người hay nói với nhau ngày 30 là Tết nghèo, nhiều người kinh tế khó khăn họ phải chờ đến ngày 30 Tết mới gom đủ tiền mua hoa. Cũng có một số người nghĩ rằng ngày 30 các tiểu thương sẽ hạ giá nên chọn mua hoa vào ngày này sẽ rẻ hơn so với những ngày trước. Tôi nhập hoa về bán từ 25 Tết mà năm nào đến 30 vẫn còn nhiều thì sợ lắm, sợ bị lỗ", chị Vi cho biết.
Chị Vi nhập về bán đa số là loại hoa phổ biến trong ngày Tết như vạn thọ, cúc, hoa giấy,... |
Cứ đến ngày 24 Tết hằng năm là anh Văn Khanh, ngụ tỉnh Bến Tre bắt đầu chở hàng tấn mai vàng trồng tại vườn nhà mang lên đường Bắc Hải, quận Tân Bình, TP.HCM bày bán. Anh Khanh cho biết cũng giống như bao người bán hoa cúc, hoa vạn thọ... anh cũng sợ lắm ngày 30 Tết, ngày bán hoa cuối cùng của năm. Nếu đêm 30 còn hoa ứ thì có nghĩa tết này thất thu.
"Nhiều người sống ở thành phố họ bận rộn lắm, không có thời gian nên đến ngày cuối họ mới bắt đầu đi mua hoa. Có người nghĩ tới 30 mua về chưng được lâu, chứ mua sớm quá về hoa bị héo sớm, hoặc có người nghĩ tới 30 thì giá hoa sẽ rẻ hơn...", anh Khanh chia sẻ.
Anh Khanh cũng cho biết thêm, dù nhiều người nghĩ rằng 30 Tết giá hoa sẽ giảm nhưng không phải như vậy. Tùy vào số lượng mà người bán nhập vào và tùy vào lượng hoa mà năm đó các nhà vườn trồng, nếu hoa ít sợ có khi đến 30 không còn hoa để mua. Đối với anh Khanh, dù cho năm đó số lượng bán ra ít hay bị lỗ vốn anh cũng nhất định không hạ giá vì như vậy sẽ làm tiền đề cho người mua "đợi 30 Tết mới mua hoa cho rẻ".
Dù cho năm đó số lượng bán ra ít hay bị lỗ vốn thì anh Khanh cũng nhất định không hạ giá vì như vậy sẽ tạo thói quen cho nhiều người "đợi 30 Tết mới mua hoa cho rẻ". Ảnh: HUỲNH THƠ |
Khác với anh Khanh, nhiều người bán có tâm lý sợ lỗ nên cứ đến ngày 30 Tết là bắt đầu "bán tháo bán chạy". Chị Yến Ngọc, một tiểu thương bán hoa ở tỉnh Vĩnh Long mang hoa lên TP.HCM bán, cho biết: "Đa số cứ đến ngày 30 Tết là tôi bán rẻ. Nếu năm đó bán lỗ, chưa đủ vốn là tôi bán rẻ để cho đủ vốn, vì sợ lỗ. Còn năm nào bán có lời rồi thì 30 tôi cũng bán rẻ để mau về nhà chuẩn bị đón Tết...".
Hãy mua hoa sớm để bà con có Tết
Chị Huỳnh Hải Yến, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM, cho biết bản thân là người rất thích cắm hoa, đến 25 Tết chị bắt đầu đi mua hoa mai và nhiều loại hoa khác để trang trí nhà cửa. Theo chị, không nên tạo thói quen để đến 30 Tết mới đi mua hoa, rất tội nghiệp cho người trồng và người bán. Đã từng có nhiều năm hoa không bán hết bị mang đập bỏ, vứt vào thùng rác rất đau lòng.
"Ra phố mua hoa sớm cũng là cách để giúp bà con nông dân sớm được về nhà ăn tết, giúp bà con có thêm phần thu nhập", chị Yến nhắn nhủ.
Là một người trẻ, anh Nguyễn Khanh 23 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM mấy ngày qua cũng đã kêu gọi mọi người trong gia đình, bạn bè và những người xung quanh hãy mua sớm hơn, đừng để đến ngày 30 mới mua hoa.
"Mua hoa sớm để giúp bà con nông dân đỡ khổ. Chờ đợi cả năm để được bán hàng dịp Tết này mong kiếm được một số tiền trang trải cuộc sống mà ai cũng đợi 30 tết mới đi mua hoa cho giá rẻ thì tội cho bà con quá", anh Khanh nói.
Do tâm lý của cả người mua và người bán
Nhiều người Việt có thói quen dùng đồ giảm giá, đồ miễn phí, đợi đến ngày 30 Tết mới mua hoa để ép giá, với tâm lý chủ vườn phải xổ rẻ, đỡ tốn khoản thuê xe chở về. Thậm chí, có người chỉ đợi hôi của, đợi chủ vườn vứt ra đó rồi đi nhặt về chưng Tết.
Tuy nhiên, không phải tự nhiên người mua có tâm lý đó mà xuất phát từ người bán, từ thị trường thiếu ổn định dịp Tết. Với tâm lý làm lụng cả năm nên cũng có một vài người bán nói thách, hét giá cao vào những ngày đầu cũng khiến người mua e dè mới đợi đến ngày 30. Chính một số ít những người làm vườn tham lam cũng đã góp phần tạo nên thói quen mua hàng này. Cả hai phía cùng nên thay đổi thói quen này.
Thạc sĩ tâm lý VÕ MINH THÀNH, giảng viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM.