Sao phải thương hại nghề báo?

Có chút chạnh lòng, bởi nhiều đồng nghiệp cũng hay kêu ca vất vả. Thành thực mà nói, với tôi, vất vả đúng là có nhưng những gì đã trải, dù có đi suốt cuộc đời tôi vẫn không hối tiếc. Góp nhặt những câu chuyện nhỏ trên đường tác nghiệp, tôi gói ghém làm hành trang cho nhật ký hạnh phúc của mình. Xin chia sẻ cùng các bạn chút tâm tư trăn trở.

1. Câu chuyện về làm giấy khai sinh cho con vợ chồng anh xe lăn mới đây chắc bạn đọc còn nhớ. Đầu tiên, tôi từ chối đi cùng vợ chồng anh đến UBND xã vì trộm nghĩ chắc anh “làm quá” vì giấy khai sinh để trẻ đi học thôi mà, ai mà nỡ làm khó. “Không phải đâu chị ơi, chị đi một lần với tôi đi rồi chị sẽ thấy”, giọng anh chùng xuống như có gì đó đang ứ trong cổ họng.

Và đó là một ngày xứng đáng. Những con người còn lại mà tôi gặp ở xã đảo Hòa Minh đều tình cảm và tốt bụng. Chúng tôi cùng giúp anh và kết quả thật mỹ mãn: Con của anh chị đã được cấp giấy khai sinh sau khi có sự chất vấn của báo.

Anh Thanh (ảnh trái) phải ngồi chờ cả ngày ở xã mới được cán bộ tư pháp hộ tịch xã (ảnh phải) cấp giấy khai sinh cho con. Ảnh: T.VÂN

2. Theo đuổi một vụ án, niềm vui lớn nhất là nhân vật của mình được tuyên vô tội. Niềm hạnh phúc lớn nhất là khi nhân vật của mình đứng lên sau bao biến cố, vững chí làm lại cuộc đời. “Từ ngày về tới nay nó không đi đâu hết, bạn bè mời nhậu, rủ đi quán bar… nó cũng không đi. Cứ quanh quẩn ở nhà với mẹ và phụ tui việc nhà. Tui vui hết biết”, mẹ của một bị cáo gọi điện thoại khoe với tôi như thế. Tôi đoán là đầu dây bên kia, mắt bà đang ướt.

3. Kể chuyện tủi thân một chút nhé! Có lần dự một phiên tòa tại quận Tân Bình. Trong lúc tòa đang nghị án, tôi đến tiếp xúc với đương sự để làm sáng tỏ vụ án, muốn góp phần minh oan cho họ thì gặp câu nói thẳng: “Nhìn em không giống người xấu nhưng em thông cảm… chồng chị đang bị giam kia em cũng thấy rồi, mà các anh công an thì dặn chị không được trả lời em”. Bữa đó về tôi buồn tới bỏ cơm trưa.

Lần khác, dự một phiên tòa ở Thuận An, Bình Dương. Các cán bộ công an xúm quanh tôi, đưa vào phòng đòi lập biên bản vì lý do dám móc điện thoại ra khỏi túi quần (chưa kịp mở máy), mặc dù lúc đó tôi đã ra phòng xử án, chỉ đứng ngoài hành lang thôi. Bị cáo trong phiên tòa này sau đó được tòa tuyên trắng án. Đến phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nghị án kéo dài.

Sau một tuần nghị án, HĐXX TAND thị xã Thuận An, Bình Dương đã tuyên Thi (áo sọc đỏ) không phạm tội và trả tự do ngay tại phiên tòa.

Ngay sau đó trên báo Pháp Luật TP.HCM có một bài viết với cái tựa hơi sốc “Viện Kiểm sát vạch áo cho người xem lưng đề nghị hủy án”. Đến ngày tòa tuyên án, tôi vừa xuất hiện là cả chục thanh niên vạm vỡ, đầu trọc và xăm mình nhao lên…. “Ui cô bé, em có sao không? Trời ơi đọc bài em mà tụi anh run quá không biết em có bị sao không. Nhìn em hiền thế kia mà sao viết bài đọc thấy dữ quá vậy”. Tôi cười “thì em hiền thiệt mà nhưng bài báo các anh đọc là sản phẩm của tập thể. Nhiệm vụ của em là tường thuật đầy đủ, trung thực diễn biến phiên tòa… Việc còn lại là của tòa soạn!”.

Thật vậy, một anh biên tập viên từng nói: “Phóng viên như người đi chợ, còn biên tập viên là người nấu ăn. Các em đi chợ cố mua cho đầy đủ gia vị, thiếu một trái ớt thôi, món ăn cũng không thể ngon được”.

Phóng viên Lệ Trinh (bút danh Thanh Vân) - PV ban Pháp Luật báo Pháp Luật TP.HCM. 

Cùng ban với tôi có một nữ phóng viên trẻ, sau khi hoàn tất bản thảo, em ấy thường ngồi lại tòa soạn thêm vài giờ nữa. Chỉ để chờ biên tập viên biên tập bài xong mà đọc lại. Tôi thắc mắc rằng nội dung em đã nắm hết rồi, có chăng chỉ là bớt ra thôi, chứ có gì mới đâu mà em phải chờ. “Ơ có chứ chị, bản thảo mình qua tay biên tập viên nó mới thành một bài báo đúng nghĩa. Đọc lại nó thích lắm chị à. Các anh biên tập xong thì bài mình hay lắm, đọc sướng lắm chị”.

Vậy đó, nghề báo đối với tôi luôn đầy thú vị và “kích thích”, trong đó vất vả cũng là một phần thú vị của nó. Có vất vả mới có sung sướng với thành quả mình và các đồng nghiệp làm được giữa chốn chợ đông.  

Chỉ mong đừng ai thương hại cho nghề báo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm